Trên cơ sở dự báo thời tiết, kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2023. Ngày 26/12/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh ban hành văn bản số 2863/SNN-TS về việc hướng dẫn khung lịch thời vụ thả giống nuôi trồng thủy sản 2022.
Căn cứ nội dung văn bản chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tình hình nuôi trồng thủy sản tại các địa phương trong tỉnh, nhằm giúp bà con chủ động trong sản xuất đảm bảo hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, dưới đây xin lưu ý đến các địa phương, cơ sở/hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh một số nội dung về thực hiện lịch thời vụ thả giống nuôi trồng thủy sản năm 2023:
I. Đối với nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ
1. Nuôi tôm
1.1. Nuôi tôm thẻ chân trắng:
- Đối với nuôi trên cát:
+ Nuôi chính vụ: Thả giống từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 9 năm 2023.
+ Nuôi tôm vụ đông: Thả giống từ tháng 10 đến hết tháng 12 năm 2023 (Áp dụng đối với cơ sở có hình thức nuôi kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông).
- Đối với nuôi ao đất vùng triều:
+ Chỉ nên nuôi 01 vụ/năm.
+ Thời điểm thả giống: từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2023 (đối với vùng thường bị ngập lụt, thả giống từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023).
1.2. Nuôi tôm sú:
- Số vụ nuôi: 01 vụ/năm.
- Thả giống: từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023.
* Đối với hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát hoàn toàn điều kiện nuôi: Các địa phương có cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng đảm bảo không chịu ảnh hưởng của thời tiết; chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
2. Nuôi nhuyễn thể (Nuôi ngao)
Thời gian thả giống: Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023.
II. Đối với nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt
- Đối tượng nuôi gồm các loài như: cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép, cá lóc, cá rô phi, cá điêu hồng,...
- Thời gian thả giống: Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023.
III. Đối với nuôi cá lồng
- Thời gian thả giống: Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023.
- Đối tượng thả nuôi:
+ Nuôi mặn lợ: cá vược, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá mú,...
+ Nuôi ngọt: cá chép, cá trắm, cá lóc, cá rô phi, cá diêu hồng,...
* Lưu ý:
- Lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện thủy lý, thủy hóa của từng địa phương. Đối với những vùng thường bị ảnh hưởng do mưa, bão như Thạch Sơn, Thạch Hạ, Kỳ Hà,... nên thả giống cỡ lớn và thu hoạch trước mùa mưa, bão. Khi có mưa, bão cần kịp thời di dời lồng nuôi đến các vị trí an toàn hoặc đưa các đối tượng nuôi lồng ở sông vào nuôi trong ao.
- Địa điểm, vị trí vùng nuôi phải được sự cho phép của chính quyền địa phương cấp huyện.
IV. Quản lý mùa vụ thả giống và các yếu tố đầu vào
Trên cơ sở khung lịch thời vụ Nuôi trồng thủy sản chung, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng khung lịch thời vụ cụ thể và phù hợp cho từng địa phương. Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các xã, phường, thị trấn phổ biến lịch thời vụ, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và nghiêm túc triển khai thực hiện kiểm soát con giống và các yếu tố đầu vào (Đối với nuôi tôm: Khuyến cáo các cơ sở/vùng nuôi liên kết với Hiệp hội tôm giống/cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng tốt phục vụ sản xuất; Hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình nuôi 2 - 3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm; Tăng cường kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; kiểm soát tốt chất lượng, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; kiểm tra việc sử dụng tôm bố mẹ theo đúng quy định để đảm bảo chất lượng tôm giống; Đẩy mạnh cấp mã số cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy định tại Luật Thủy sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP; thực hiện nghiêm túc các nội dung về quản lý giống theo quy định tại chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 13/7/2020 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, chất lượng tôm giống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh)./.
Theo: Sỹ Công-Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh |