Nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch và bền vững, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân và đáp ứng xu hướng thị trường của người tiêu dùng, vụ Xuân 2024, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Cánh đồng lúa hữu cơ làm đòng
Hà Tĩnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng như: lúa, cây ăn quả, các loại rau màu... Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp hiện nay, tỉnh đã xây dựng đề án Nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Trên tinh thần đó, những năm qua huyện Can Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ thực hiện tham mưu và tư vấn cho người sản xuất.
Huyện Can Lộc hiện có trên 10 nghìn ha đất trồng lúa, đề án xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao xác định mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 có 5.000 ha đất lúa có quy mô cánh đồng lớn sản xuất liên kết và xây dựng 3 loại gạo chất lượng cao mang thương hiệu đặc trưng của huyện Can Lộc. Để đạt mục tiêu đó, những năm qua huyện Can Lộc đã triển khai nhiều giải pháp như dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất và triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng thương hiệu gạo OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, nhằm giúp nông dân thay đổi nhận thức, phương thức canh tác của trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay, vụ Xuân năm 2024, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 20ha tại các xã Khánh Vĩnh Yên, Kim Song Trường, Vượng Lộc và xã Tùng Lộc. Triển khai mô hình, huyện đã liên kết với Tập đoàn Quế Lâm cung cấp các loại vật tư đầu vào và hỗ trợ nông dân 5 triệu đồng/ha tiền mua phân bón, giống được hỗ trợ theo Nghị quyết 62 của tỉnh. Ngoài ra các xã triển khai mô hình còn hỗ trợ nông dân 50% tiền máy cấy và một phần phân bón.
Huyện Can Lộc tổ chức hội nghị đầu bờ vụ lúa xuân 2024
Tất cả các mô hình đều sử dụng chung một loại giống DT39, sử dụng mạ xúc dày và cấy máy, áp dụng chung một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, và để mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện triển khai thực hiện mô hình đảm bảo tập trung, gọn vùng, gọn thửa, thuận lợi giao thông và thủy lợi nội đồng. Đồng thời, triển khai, tổ chức thực hiện mô hình tại các xã đảm bảo kịp thời vụ, đúng quy trình quy định về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn các hộ dân áp dụng đúng quy trình từ quản lý cỏ dại, sinh trưởng và kiểm soát sâu bệnh hại.
Sau 4 tháng gieo cấy đến nay cây lúa đã bước vào giai đoạn thu hoạch, sinh trưởng phát triển tốt, một số đối tượng sâu bệnh xuất hiện như sâu cuốn lá, bệnh khô vằn nhưng được kiểm soát tốt nên khả năng gây hại không cao. Năng suất thực thu tại các điểm triển khai mô hình giao động từ 60 – 66 tạ/ha, đạt năng suất cao hơn so với một số giống lúa thuần tại địa phương. Sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 1,6 triệu đồng/sào, cao hơn so với ruộng sản xuất đại trà trong vùng gần 500.000 đồng.
Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình còn tác động lớn về mặt môi trường sinh thái, tạo ra sự liên kết trong sản xuất bền vững khi liên kết với tập đoàn Quế Lâm trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất cho các hộ dân tham gia mô hình. Thành công bước đầu của mô hình đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho các địa phương – Bà Nguyễn Thị San cán bộ kỹ thuật Trung tâm ƯDKHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện cho biết thêm.
Thời gian tới để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn ra các xã khác, huyện Can Lộc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về lợi ích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ... Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ lúa hữu cơ tại các vùng sản xuất hữu cơ tập trung, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững./.
Đặng Thị Thuận |