Cây ba kích tím thường mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm giữa các bụi bờ, bãi hoang. Cây ba kích được tìm thấy nhiều ở các tỉnh phía Bắc như ở Quảng Ninh, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh,… Biết đến giá trị cây ba kích tím nên anh Phan Đăng Vượng ở thôn 3, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm và bước đầu đã có nhiều tín hiệu khả quan.
Sau gần 2 năm trồng và chăm sóc, vườn ba kích tím của anh Vượng sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương
Với lợi thế có quỹ đất của gia đình và mong muốn được làm giàu trên chính quê hương mình, anh Phan Đăng Vượng đã mày mò tìm tòi các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để trồng và phát triển hàng hóa. Qua tìm hiểu nghiên cứu và tham quan các mô hình tại các tỉnh phía Bắc anh đã biết đến cây ba kích tím và vào cuối năm 2022 anh đã mạnh dạn đầu tư gần 600 triệu đồng để thuê máy san ủi mặt bằng, mua cây giống về trồng thử nghiệm trên diện tích gần 2ha.
Ban đầu anh Vượng khá lo lắng vì đây là mô hình mới trên địa bàn xã nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung, chưa có ai trồng. Dù vậy, được gia đình ủng hộ, anh đã quyết tâm trồng loài cây này với mong muốn mang lại thu nhập cao hơn và phát triển ba kích tím trên vùng đất đồi núi tại địa phương.
Sau gần 2 năm trồng và chăm sóc, vườn ba kích tím của anh Vượng sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Anh Vượng cho biết: “Cây ba kích tím là một loại cây không khó trồng nhưng để đạt tỷ lệ sống cao và cây sinh trưởng tốt, đòi hỏi người trồng phải làm tốt các khâu từ chọn giống, làm đất cho tới chăm sóc. Đối với cây giống, cần chọn những cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, không cụt ngọn, bộ rễ phát triển đầy đủ và bầu phải còn nguyên vẹn. Trong quá trình làm đất tuyệt đối không dùng thuốc cỏ vì đây là loại cây dược liệu dùng làm thuốc và sản phẩm là lấy củ. Phân bón sử dụng để trồng và chăm sóc chủ yếu là chuồng hoai mục”.
Huyện Vũ Quang một trong những huyện có nền nhiệt độ cao trong mùa hè bởi vị trí thuộc vùng chịu tác động mạnh của gió phơn Tây Nam. Khi gió thổi tới phía Tây dãy Trường Sơn, hơi nước bị giữ lại, khi xuống phía đông chỉ còn gió khô và rất nóng thổi tới. Nên trong những ngày nắng nóng, để bảo vệ cây sinh trưởng, phát triển tốt anh Vượng dùng cỏ khô, các loại cây phân xanh để tấp tủ phần gốc và thường xuyên tưới nước để cung cấp đủ ẩm cho cây. Qua quá trình trồng thì việc chăm sóc cây ba kích tím cần thiết nhất là khâu làm cỏ và xới đất để vừa tạo độ tơi xốp, thoáng khí vừa hạn chế tình trạng nấm bệnh phát sinh, phát triển. Do đó, mỗi năm anh tiến hành làm cỏ, xới đất từ 4 - 5 lần.
Hiện nay cây ba kích tím đang được thị trường biết đến với nhiều giá trị cả về kinh tế, cả về sức khỏe. Theo y học cổ truyền cây ba kích tím có tính hơi ôn, vị cay, ngọt, đi vào kinh gan, thận. Ba kích có công dụng làm ấm thận dương, mạnh gân cốt, chống viêm, trừ thấp, giảm đau. Về giá trị kinh tế của cây ba kích tím mang lại cao, thị trường tiêu thụ lớn, từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất khoảng 4 - 5 năm. Theo tính toán của anh Vượng, 1 ha trồng hơn 20.000 cây ba kích tím, mỗi cây cho khoảng từ 3 - 4 củ, trọng lượng từ 1,5 - 2 kg; giá bán củ ba kích hiện nay dao động từ 120.000 - 140.000đồng/kg như vậy nếu năng suất đảm bảo thì thu nhập từ cây ba kích mang lại cao hơn hẵn nhưng loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Tuy chưa có thu nhập nhưng qua 2 năm trồng cây đang phát triển xanh tốt, bộ rễ phát triển, cây phù hợp với điều kiện đất đai, thỗ nhưỡng của địa phương và không có sâu bệnh gây hại.
Hiện nay cây ba kích tím đang được thị trường biết đến với nhiều giá trị cả về kinh tế, cả về sức khỏe
Anh Vượng chia sẽ: “Trong thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư chăm sóc diện tích đã trồng và phát triển tốt đồng thời sẽ mở rộng diện tích thêm 4 sào nữa để hướng tới phát triển sản phẩm hàng hóa và nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó nhằm chủ động nguồn giống cho gia đình và phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn tôi sẽ đầu tư tập trung ươm cây giống. Ngoài ra tôi cũng rất mong muốn có nhiều hộ dân tham gia trồng để hướng tới phát triển vùng nguyên liệu trên toàn xã. Tôi luôn sẵn sàng chia sẽ kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhằm mang lại hiệu quả cao nhất”.
Ông Phạm Quang Tùng Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thọ Điền chia sẽ: “Gia đình anh Vượng đã tiên phong đi đầu trong việc tiếp cận giống mới, kỹ thuật mới để đưa giống cây ba kích tím về trồng tại địa phương. Hiện tại cây sinh trưởng, phát triển tốt, mặc dù cây chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng với nhu cầu thị trường hiện nay và cây được chăm sóc bài bản tôi tin rằng mô hình sẽ có được hiệu quả cao. Chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành cùng gia đình theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây và trong thời gian tới, xã sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đến học hỏi, từng bước nhân rộng sản xuất để phát triển thành vùng dược liệu theo hướng hàng hóa tại địa phương”./.
Thái Thơm |