Với ý chí, nghị lực của tuổi trẻ và giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cô gái trẻ Nguyễn Thị Phong ở xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm bún mang thương hiệu “Bún sạch An Tâm” và trở thành tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trong khi các bạn bè cùng trang lứa theo đuổi một công việc nhàn hạ, không phải dầm mưa giải nắng ở thành phố thì chị Nguyễn Thị Phong, sinh năm 1991 lại theo đuổi giấc mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Sau khi tìm hiểu các sản phẩm trên các trang mạng và thị trường tiêu dùng chị nhận thấy Bún là loại thực phẩm rất quen thuộc với đời sống hàng ngày của người dân, nhu cầu sử dụng lớn, nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, nếu sản xuất bún sạch, chất lượng đảm bảo sẽ cung cấp nguồn sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Sau khi có ý tưởng chị Phong đã tìm hiểu quy trình sản xuất bún và những công đoạn để làm ra sợi bún ngon. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đầu năm 2018, chị Phong bắt đầu mua máy móc, thiết bị và nguyên liệu để sản xuất bún. Do chưa có kinh nghiệm nên những mẻ bún đầu tiên ra đời lại không theo ý muốn, Bún làm ra có vị chua, sợi không dai nên chị Phong đành phải đổ bỏ, không nản chí, chị tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất mới, tìm hiểu nguyên nhân bún bị chua và nhận ra rằng, để có sợi bún ngon người sản xuất không chỉ chọn gạo mà tất cả các công đoạn, dụng cụ phải thật sự sạch, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất. Gạo ủ 2 ngày mới xay bột sau đó bột tiếp tục được ủ 7 ngày mới sản xuất bún. Vì thế, sản phẩm tạo ra có độ trắng tự nhiên, sợi dai, đậm đà hương vị truyền thống.
Đóng gói sản phẩm bún sạch An Tâm
Khi đã thành công trong việc sản xuất ra bún đạt chất lượng, chị Phong tiếp tục tìm hiểu thị trường để tiêu thụ sản phẩm, thời gian đầu chị sản xuất với quy mô nhỏ, tiêu thụ chủ yếu cho các hộ dân trong vùng và bán ở các chợ. Sau thời gian làm quen chị Phong bắt đầu bắt mối với các chủ buôn và các nhà hàng bán sỹ nhằm giới thiệu sản phẩm. Nhờ chất lượng bún tươi ngon nên chỉ sau một năm tiếng lành đồn xa và sản phẩm bún của chị Phong ngày càng có chổ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hết khi các phương tiện truyền thông liên tiếp đưa thông tin về việc sản xuất bún sử dụng chất phụ gia. Một số cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Vì vậy mức tiêu thụ bún của cơ sở đã bị ảnh hưởng không nhỏ
Để khắc phục tình trạng trên và mong muốn mở rộng thị trường, được khách hàng đón nhận, với tiêu chí “Giữ an tâm trong từng sợi bún” chị Phong quyết định đầu tư nhiều hơn về chất lượng. Nghĩ là làm, đầu năm 2022 chị quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây dựng mới nhà xưởng, mua thêm máy móc thiết bị hiện đại, tham gia các lớp tập huấn để nắm vững các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký tham gia chương trình OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm với tên gọi “Bún sạch An Tâm”. Nhờ được sự hỗ trợ từ chương tình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, chị đã bắt tay vào thực hiện quy trình nâng tầm sản phẩm. Gạo sau khi nhập về được sàng lọc, loại bỏ sạn, sau đó đưa đi vò và ngâm bằng máy đã được điều chỉnh nhiệt độ nhằm giúp hạt gạo được bở đều. Công đoạn ngâm bột cũng được thực hiện nghiêm ngặt, nhằm cho ra thành phẩm bún chất lượng nhất, quy trình sản xuất khép kín với 3 không: không chất bảo quản, không hàn the, không chứa hóa chất, phụ gia độc hại. Vì vậy sản phẩm bún tươi của cơ sở đảm bảo độ dai, ngon và không bị chua. Ngoài ra, để tạo nên sự khác biệt cũng như giúp sản phẩm được bảo quản tốt nhất, chị Phong đã quyết định đóng gói và hút chân không, nhờ đó mà tháng 6 năm 2023, "Bún sạch An Tâm" đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Không dừng lại ở đó, chị Phong tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu năm 2024, cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm An Tâm được cấp chứng nhận hệ thống thực hành sản xuất tốt (GMP).
Chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP và GMP
Vượt qua thách thức, thương hiệu "Bún sạch An Tâm" dần dần được nhiều người biết đến và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài thành phố Hà Tĩnh, sản phẩm bún của chị Phong còn tiêu thụ các huyện khác trong tỉnh như Lộc Hà, Can Lộc, Hồng Lĩnh,…. Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của chị Phong sử dụng 250 - 300 kg gạo để làm bún, xuất bán gần 800kg bún thành phẩm với giá bún 12 – 15 nghìn đồng/kg đã mang về doanh thu 250 - 300 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng hơn 40 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, chị Phong đã tạo được niềm tin và làm ra sản phẩm bún sạch cung cấp cho người tiêu dùng bằng chính sản phẩm của mình, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông nhàn tại địa phương.
Chia sẻ về định hướng phát triển, chị Phong cho biết trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô phát triển sản xuất, ứng dụng đổi mới công nghệ, tăng cường sử dụng mạng xã hội và tích cực tham gia các hội chợ để mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu "Bún sạch An Tâm" nhằm đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đặng Thị Thuận |