Tận dụng lợi thế nguồn thức ăn dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với phát triển chăn nuôi hươu, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Hương Sơn đã tập trung phát triển chăn nuôi dê. Để nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm, huyện Hương Sơn đã có chính sách khuyến khích cải tạo chất lượng giống và phát triển tổng đàn, mở ra nhiều triển vọng cho người chăn nuôi.
Trong những năm qua, huyện Hương Sơn đã áp dụng sáng tạo các chủ trương chính sách của đảng và nhà nước tập trung các giải pháp đồng bộ giúp nông dân phát triển kinh tế. Đặc biệt nhiều mô hình tại địa phương đã phát huy được lợi thế vườn đồi, tập trung đầu tư chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê đã mang lại nhiều kết quả rõ nét.
Dù đã có 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi dê, nhưng chị Trần Thị Thu Hằng ở thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng huyện Hương Sơn nhận thấy, hiệu quả kinh tế khi nuôi giống dê cỏ địa phương mang lại chưa cao, vì vậy chị đã tìm hiểu và được sự quan tâm của chính quyền địa phương thông qua chính sách hỗ trợ cải tạo đàn dê, chị Hằng đã mạnh dạn chuyển sang nuôi giống dê Boer.
Chị Trần Thị Thu Hằng cho biết: Qúa trình nuôi dê giống cỏ địa phương, tầm vóc nhỏ, năng suất thịt thấp, nhất là phải có bãi để chăn thả, khó kiểm soát dịch bệnh, cộng với biến động về nguồn thức ăn nên không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, đầu năm 2019, chị đã quyết tâm vay mượn thêm để đầu tư xây dựng trang trại nuôi dê với diện tích chuồng nuôi 300m2 và mua 53 con dê Boer giống với chi phí hơn 500 triệu đồng.
Nhờ đưa giống mới vào nuôi và cho phối với các giống dê đực lai nên tầm vóc đàn dê được nâng cao
Mô hình nuôi dê Boer đươc chị Hằng nuôi nhốt hoàn toàn, với hệ thống chuồng trại được đầu tư, vệ sinh sạch sẽ đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, giúp dê sinh trưởng tốt, hạn chế các loại bệnh.
“Từ khi chuyển qua nuôi dê Boer cùng với việc chủ động trồng cỏ voi, ngô và nhiều loại cây khác làm nguồn thức ăn chính cho dê nên giảm được chi phí thức ăn. Nhờ áp dụng đúng quy trình nuôi, đàn dê phát triển tốt. Từ 53 con ban đầu, đàn dê của gia đình đã nhân giống lên 200 con đảm bảo chất lượng và xuất bán dê thịt với giá cả ổn định, mang lại thu nhập cho gia đình từ trung bình 400-500 triệu đồng/năm.”. Chị Hằng chia sẻ.
Hương Sơn là huyện có tổng đàn dê khá lớn của tỉnh. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 17.000 con. Nuôi dê đã mang lại thu nhập cho nhiều nông hộ. Tuy nhiên, nuôi dê ở Hương Sơn vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Giống dê đưa vào nuôi chủ yếu là dê địa phương có tầm vóc nhỏ, chậm lớn, khả năng cho thịt thấp; người nuôi chưa quan tâm đúng mức đến giống, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Trong khi tầm vóc và năng suất của một số giống dê nhập ngoại khá cao, đặc biệt là dê Boer. Do đó, để nâng cao tầm vóc và năng suất đàn dê của địa phương, một số hộ đã tìm mua các giống dê có tầm vóc lớn để làm giống.
Nhận thấy tiềm năng của địa phương trong chăn nuôi dê, đầu năm 2022, anh Nguyễn Trọng Hùng ở thôn Tân Tiến, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi dê và trồng các loại cỏ như: VA 06, Voi Xanh Đài Loan, cỏ sữa NLT 01... Đến giữa năm 2022, anh Hùng nhập về 50 dê bo cái, 2 dê đực Bách Thảo với trọng lượng bình quân 40kg/con để nuôi.
Theo anh Hùng, dê là loài động vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, có tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn nên nhanh thu hồi vốn. Chăn nuôi dê không tốn quá nhiều chi phí, thời gian và công sức. Chỉ cần dành thời gian khoảng 1 - 2 giờ mỗi ngày để đi cắt lá và cho dê ăn, chuồng trại chỉ cần dọn dẹp 1 - 2 lần/tuần.
“Để nuôi dê đạt hiệu quả, sau khi thu hoạch cỏ, tôi tiến hành ủ vào các thùng nhựa đậy kín theo tỷ lệ 1 tấn cỏ tươi - 5kg cám ngô - 0,2kg muối tinh - 0,2kg men vi sinh trong khoảng 20 - 30 ngày. Cỏ sau khi ủ chua không chỉ cung cấp thức ăn vào thời điểm cỏ tươi khan hiếm mà còn có tác dụng tăng chất lượng dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho đàn dê.”.Anh Hùng chia sẻ bí quyết chăm sóc đàn dê.
Nhờ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nên đàn dê của anh Hùng phát triển khá tốt. Cuối năm 2022, đàn dê sinh sản lứa đầu tiên thuận lợi, mỗi dê cái sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 1-2 con. Sau hơn một năm đầu, trang trại của anh đã có thêm hơn 100 con dê, đưa tổng đàn lên 150 con. Năm đó, anh đã xuất bán 100 con, thu về 400 triệu đồng. Nhận thấy chăn nuôi dê đang thuận lợi, nên anh quyết định tăng đàn. Đến thời điểm này, tổng đàn dê của gia đình anh Hùng đã có 300 con, cho thu nhập bình quân 50 - 70 triệu đồng/tháng.
Các mô hình chăn nuôi dê trên địa bàn huyện Hương Sơn đang phát triển tốt mở ra cơ hội mới để người dân có thêm lựa chọn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Anh Nguyễn Trọng Hùng và chị Trần Thị Thu Hằng là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ chính sách khuyến phát triển đàn dê của huyện Hương Sơn. Với mục tiêu tăng đàn và cải tạo đàn dê, huyện Hương Sơn đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-HĐND ngày 20/12/2020 về chính sách hỗ trợ cải tạo đàn dê. Theo đó, những hộ có từ 10 con dê nái trở lên hoặc 3 – 4 hộ có từ 20 nái trở lên, hỗ trợ mua 1 con dê đực, tối đa không quá 6 triệu đồng/con. Hỗ trợ 100 triệu đồng đối với mô hình nuôi từ 50 con dê trở lên; 200 triệu đồng với mô hình nuôi từ 100 con.
Ông Phan Xuân Đức, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện Hương Sơn thông tin: Trong 2 năm (từ năm 2021 đến năm 2022) triển khai thực hiện chính sách, huyện Hương Sơn đã triển khai 10 mô hình chăn nuôi dê với quy mô hơn 500 con dê lai sinh sản tại các xã Quang Diệm, Sơn Lâm, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng và An Hòa Thịnh, bằng phương thức Dê Bách Thảo đực lai tạo với dê Boer cái cho sinh sản con lai F1. Qua theo dõi đánh giá, đàn dê sinh trưởng ổn định và đã sinh sản, trung bình mỗi dê mẹ một năm sinh 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Đến nay, đã có gần 2.500 con dê lai được xuất bán. Dê thịt nuôi 6 tháng đạt trọng lượng trung bình 30 – 40 kg, tăng 30% so với trọng lượng dê cỏ địa phương.
“Qua kết quả đạt được của các mô hình, trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng KHKT và BVCTVN huyện sẽ tham mưu UBND huyện và UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ để tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đàn dê trên địa bàn, nhằm tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường.”. Ông Đức cho biết thêm.
Chăn nuôi dê theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm thịt mang tính hàng hóa là hướng đi đang được người dân ở huyện Hương Sơn hưởng ứng tích cực nhằm phát huy lợi thế của địa phương. Hướng đi này giúp người dân thay đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và từng bước hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đưa nghề nuôi dê phát triển bền vững.
Nguyễn Hoàn
|