Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh được giao quản lý và bảo vệ 7.700 ha rừng. Tập trung chủ yếu là rừng thông và keo, số diện tích còn lại là rừng tự nhiên nghèo kiệt phi mục đích. Một trong những giải pháp mang tính bền vững mà BQL rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đang hướng đến là chăm sóc. Làm giàu vốn rừng bằng trồng cây bản địa với mục đích đa dạng sinh học, góp phần làm giàu cho những cánh rừng.
Trong 7700 héc ta rừng được giao Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý bảo vệ thì có đến 1800 ha rừng thông, và khu vực Hồng Lĩnh là nơi có diện tích rừng thông lớn nhất Hà Tĩnh. Phần lớn diện tích được phân bố tại địa hình đồi núi dốc, vách đá cheo leo, nên việc quản lý bảo vệ là hết sức khó khăn. Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh xác định: Một biện pháp quan trọng đó là phải quản lý bảo vệ gìn giữ và phát triển trên diện tích rừng hiện có. Thời gian qua, Ban đã nỗ lực để mở rộng làm giàu diện tích rừng, mà một trong những mục tiêu hướng đến lâu dài là tập trung trong thêm nhiều cánh rừng bản địa.
Rừng tự nhiên Hồng Lĩnh
Tại khu vực rừng đầu nguồn thuộc địa phận các xã Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm huyện Nghi Xuân, giữa những vách đá cheo leo, trong những cánh rừng nghèo kiệt đã xuất hiện nhiều cây lim xanh, đang dần sinh trưởng vượt lên cao qua các bụi cây rừng hoang dại. Để có được kết quả này là cả một quá trình dày công chăm sóc bảo vệ của chủ rừng, người dân và chính quyền địa phương. Trước đây khu vực rừng ở của một số địa phương huyện Nghi Xuân được đánh giá là nghèo kiệt do nạn khai thác lâm sản trái phép. Trong khi đó ,rừng đầu nguồn ở đây có vai trò quan trọng trong việc chống xói mòn, sạt lở, hạn chế lũ lụt, giữ đất, giữ nước và là nguồn sinh thủy lâu dài cho 5 hồ nước xung quanh. Để khôi phục lại diện tích rừng bị chặt phá, và làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt, ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phối hợp Ban quản lý Dự án hiện đại hóa rừng ven biển và người dân và chính quyền địa phương đã trồng mới hơn 341 hec ta cây lim xanh. Những kết quả mà rừng lim xanh mang lại là ngoài sự mong đợi.
Ông Nguyễn Hải Vân Phó Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phấn khởi chia sẻ: “Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là địa hình đồi núi dốc, vách đá cheo leo, khu vực được khảo sát trồng rừng bản địa nằm ở độ cao hàng trăm m so với mực nước biển. Tuy nhiên với quyết tâm làm giàu rừng vì mục tiêu đa dạng hóa sinh học trên núi Hồng Lĩnh, thời gian qua, Ban quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã ươm trồng được hàng chục ngàn cây lim xanh mọc lên tươi tốt.”
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cây lim xanh trồng làm giàu rừng
Mặc dù điều kiện lập địa ở khu vực các xã Cương Gián, Xuân Liên và Cổ Đạm khá cực đoan, điều kiện địa hình hiểm trở, tuy nhiên nhờ chăm sóc và bảo vệ tốt nên gần 3 năm đưa vào trồng, cây lim đã phát triển xanh tốt, nhiều gốc cây có đường kính từ 1,5 đến 2 cm, nhiều cây cao hơn 2 m tán rộng gần 1m trong quá trình trồng chỉ có chưa đầy 10% số cây bị chết. Anh Trần Mạnh Hà Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết thêm. “Cây lim xanh là cây bản địa có giá trị kinh tế rất cao, mặc dù thời gian trồng đến khi trưởng thành mất đến cả chục năm. Đặc biệt, cây lim có khả năng chống chọi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chống xói mòn, chống sạt lở, giữ đất và tạo nguồn sinh thủy. Do vậy,sau khi trồng xong, chúng tôi đã tăng cường bảo vệ chăm sóc vẫn luôn đặt lên hàng đầu để cây lim xanh ngày càng phát triển.
Để đánh giá tính hiệu quả của việc tròng cây bản địa lim xanh nhằm làm giàu vốn rừng. Ông Phạm Văn Bảo - Giám đốc Dự án hiện đại hóa rừng ven biển, Ban Quản lý Dự án Xây dựng cơ bản ngành NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết thêm: “Trên cơ sở những tiểu khu rừng tự nhiên nghèo kiệt, phi mục đích, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh phối hợp Ban quản lý Dự án hiện đại hóa rừng ven biển, hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân đã đi khảo sát thực địa tính toán thiết kế các phương án để trồng rừng bản địa. Đến nay 341 ha đã trồng bổ sung cây lim xanh đã phát triển tốt, góp phần làm giàu vốn rừng trong tương lai.”
Để chăm sóc, cải tạo và bảo vệ, phát triển rừng trên núi Hồng Lĩnh, công tác trồng làm giàu vốn rừng rừng luôn phải song song với việc cải tạo, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Bởi theo đánh giá của ngành Lâm nghiệp, so với những khu rừng trên địa bàn cả tỉnh thì khu vực rừng mà ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý được xem là khó khăn nhất, do rừng chủ yếu là rừng trồng, thuần loại với cây thông và cây keo, giá trị kinh tế không cao, còn thường xuyên bị sâu róm phá hoại, dễ phát sinh cháy rừng trong những mùa nắng nóng. Việc bảo vệ quản lý rừng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, việc cải tạo rừng nghèo kiệt, dễ cháy trên núi Hồng Lĩnh bằng cách thay thế, trồng mới các loài cây bản địa có sức sống bền vững và giá trị kinh tế cao như lim xanh của Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh là phương án hợp lý, bền vững, để giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng Hồng Lĩnh.
Xuân Hồng
|