Trồng cói là nghề truyền thống gắn bó lâu đời của nông dân “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Đây là giống cây đặc trưng của vùng này và đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Cây cói còn gọi là cây lác, thân cỏ, mọc thành cụm. Loại cây này được xem như là cây công nghiệp bởi thân cây được sử dụng chủ yếu để làm chiếu, túi, mũ,…. Củ cói hay thân rễ còn làm thuốc chữa một số bệnh như: bí tiểu tiện, thủy thũng, tích báng bụng, đau bụng, tiêu hóa kém.
Ở vùng đất Hồng Lam thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân năm nào cũng sóng gió, ngập lụt, chỉ có cây cói là luôn trụ vững trước những thách thức của thiên nhiên. Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 9, bà con nông dân “ốc đảo” Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân lại tập trung xuống đồng thu hoạch cói. Nghề trồng cói cũng là nghề thu nhập chính giúp hàng trăm hộ dân thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân bám trụ lại với làng.
Ông Lê Văn Quang một người có nhiều năm trong nghề trồng cói và hiện đang sở hữu 8 sào đất trồng cói ở thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang. Ông Quang chia sẻ: “Vào mùa thu hoạch người trồng cói chúng tôi phải dậy sớm từ 3 - 4 giờ sáng đi cắt cói để tránh nắng, sau đó đưa về chẻ, phơi. Dù phải lao động trong thời tiết nắng nóng nhưng chúng tôi vẫn rất phấn chấn vì cây cói năm nay phát triển tốt, sản lượng tăng, sản phẩm cói thành phẩm cũng đẹp hơn, mặt khác giá bán cao hơn mọi năm. Với 8 sào cói, năng suất mỗi sào 5,0 tạ, vụ này gia đình tôi thu về hơn 30 triệu đồng”.
Hơn 60 năm sinh sống trên “ốc đảo” Hồng Lam, vợ chồng bà Lê Thị Châu đã có 40 năm gắn bó với nghề làm cói. Bà Châu cho hay: “ Năm nay thời tiết thuận lợi cộng với công chăm sóc tốt nên cây cói đạt sản lượng cao. Với diện tích 5 sào, gia đình tôi thu hoạch được gần hơn 2,5 tấn cói. Hiện, thương lái đang mua với giá 7,5 triệu đồng/tấn. Cói thu hoạch đến đâu bán hết đến đó nên chúng tôi yên tâm không phải lo đầu ra”
Cũng theo bà Châu, mọi công đoạn thu hoạch cói diễn ra ngay trên đồng. Công đoạn vất vả nhất là sau khi cắt cói xong phải chẻ cói. Công việc này phải cần người khỏe mạnh, kéo cói phải thẳng, để không bị mất gốc hay ngọn. Cói sau khi chẻ xong được phơi từ 2 - 3 ngày nắng lên màu đẹp là chở về nhà chờ thương lái đến mua.
Trên cánh đồng, bà con dựng những chòi bạt để tiến hành chẻ cói.
Đến mùa thu hoạch cói, trên cánh đồng, bà con dựng những chòi bạt để tiến hành chẻ cói. Cây cói chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm. Theo người dân nơi đây, trước kia, mỗi năm cây cói cho thu hoạch 2 vụ nhưng do khâu thu hoạch khá là vất vả, nhất là vào vụ Xuân, thời tiết không thuận lợi, thu hoạch xong khó phơi khô vì gặp mưa nên tính ra năng suất không được mấy. Vì vậy, sau này, người dân tập trung làm vụ Hè Thu bằng cách bón phân đạm tập trung từ tháng 5, 6, đến tháng 7 âm lịch là bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài đến tháng 9 âm lịch. Đặc biệt trên những vùng đất thường xuyên ngâm nước lợ thì cây cói sẽ cho sợi dài thân óng ả và cứng hơn. Năm nay, bà con phấn khởi hơn vì cói được mùa hơn so với năm trước. Tính bình quân, mỗi sào cho năng suất từ 4,5 - 5,5 tạ (năm 2023 chỉ đạt khoảng 3,5 tạ/sào).
Thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang nằm giữa dòng sông Lam, bốn bề bao quanh là nước. Toàn thôn hiện có trên 160 hộ dân, thì có gần 100 hộ làm nghề cói với tổng diện tích 50 ha. Hộ trồng nhiều 7 - 9 sào, số hộ còn lại 4 - 5 sào. Sau khi thu hoạch và phơi khô, thương lái sẽ thu mua từ 7.000 - 8.000 đồng/kg (tùy loại) rồi xuất bán ra tỉnh nghệ an, thanh hóa để dệt chiếu, đan thảm và các vật dụng khác.
Ông Nguyễn Thế Lục, Trưởng thôn Hồng Lam cho biết: Nghề trồng cói ở thôn Hồng Lam có từ thời cha ông để lại. Việc duy trì nghề này có thuận lợi chỉ trồng 1 lần và chăm bón, làm cỏ, bón phân là phát triển thu hoạch trong nhiều năm. Riêng mùa cói năm nay, nhiều hộ có thu nhập 25 - 35 triệu đồng từ cây cói, hiệu quả gấp 2 lần so với trồng lúa.
Cây cói ở Hồng Lam được nhiều người ưa chuộng và sử dụng nhờ những tính chất đặc thù và đã làm nên thương hiệu cho vùng ốc đảo này. Mỗi năm, người dân ở vùng này xuất bán 400 - 500 tấn cói. Trước đây, cói phải được phân loại trước khi bán nhưng hiện nay các thương lái mua ngang, giảm bớt công đoạn cho người dân. Cói là cây trồng chủ lực của bà con nông dân “ốc đảo” Hồng Lam. Đây là nguồn thu nhập chính, chủ yếu cho những người từ 50 - 70 tuổi.
Cói là nguồn thu nhập chính của người từ 50 - 70 tuổi tại thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch hội nông dân xã Xuân Giang cho biết: Nghề trồng cói dù khá vất vả nhưng hiệu quả mang lại theo tính với nghề trồng lúa thì năng suất gấp đôi nên mang lại thu nhập khá cho bà con. Để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cói, huyện Nghi Xuân và xã Xuân Giang đang liên kết với doanh nghiệp khuyến khích các hộ dân chế biến cói. Hiện tại, các hộ dân đã được tập huấn, hướng dẫn cách chế biến cói bằng máy làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất đồ gia công mỹ nghệ. Đây là hướng đi mới, phù hợp cho người dân trong những lúc nông nhàn nhằm nâng cao giá trị cây trồng, phát huy nghề truyền thống.
Dẫu biết khó khăn vất vả nhưng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp tại “ốc đảo” độc lập thì cói vẫn đang là loại cây trồng thế mạnh. Nhiều hộ dân ở thôn Hồng Lam vẫn gắn bó với nghề trồng cói không chỉ đảm bảo sinh kế mà còn có cách để bảo vệ duy trì loại cây trồng truyền thống trên địa bàn như một tập quán sản xuất riêng của vùng đất sông nước./.
Trần Hà |