Tôm càng xanh là loài tôm sống và phát triển chủ yếu trong môi trường nước ngọt, có tốc độ phát triển nhanh, kích thước cá thể lớn, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Để nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình Nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa chuyển đổi tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc. Mô hình được sự hỗ trợ của dự án SIPA Hà Tĩnh. Kết quả của mô hình đã mở ra nhiều triển vọng cho việc nhân rộng.
Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng lợi thế vùng đất nhiễm mặn của địa phương, cuối tháng 4/2021, từ nguồn vốn của Dự án SIPA, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi quy mô 2 ha, với 16 hộ tham gia, số lượng giống được thả 2 vạn con tại vùng nuôi trồng thủy sản thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc.
Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi những vùng đất trồng lúa, nuôi cá nước ngọt kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế cho nông hộ nhỏ, tăng hiệu quả kinh tế. Tham gia mô hình, người dân được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư (thuốc, thức ăn,…); cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất.Trước khi thực hiện, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại trên tôm.
Bà Tô Thị Hường ở thôn Làng Lau, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc là một trong 16 hộ lần đầu tham gia mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa chuyển đổi nên bước đầu còn khá nhiều bỡ ngỡ. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bà đã khắc phục kịp thời những sự cố trong ao nuôi do ảnh hưởng của thời tiết. Theo bà, cái hay của nuôi tôm càng xanh là không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn trên thị trường vì có thể tận dụng nguồn thức sẵn có để bổ sung cho tôm, như: cá tạp, tép, bột cám gạo,...Do thời gian nuôi tôm rơi vào thời điểm nắng nóng, thời tiết thay đổi liên tục, các hộ nuôi còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi tôm càng xanh, vì vậy, cán bộ kỹ thuật đã luôn bám sát và kịp thời phát hiện, xử lý tốt môi trường ao nuôi. Kết quả kiểm tra sau hơn 4 tháng nuôi ở các hộ dân cho thấy, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng bình quân đã đạt 50con/kg, tỷ lệ sống đạt 60%.
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi bước đầu đã cho thấy phù hợp. Thành công của mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Người dân đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng chống dịch hại trên tôm. Việc nuôi tôm đã áp dụng cân bằng sinh học không tác động đến môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Đào Sỹ Đường, Phó Chủ tịch UBND xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết: Mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa, ao nuôi cá nước ngọt chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm được các hộ nuôi cũng như chính quyền địa phương đánh giá cao, người dân xem đây là đối tượng nuôi mới có thể thay thế đối tượng nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt, mô hình thực hiện bước đầu cho thấy phù hợp trên đất chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, UBND xã Vượng Lộc đang chỉ đạo bà con tập trung gia cố bờ ao và đóng cọc giăng lưới xung quang ao để tránh bị thiệt hại khi ngập úng và bảo vệ thành quả đạt được.
Từ hiệu quả của mô hình này sẽ là nơi tham quan học hỏi cho nhiều người dân trong vùng và các địa phương lân cận để có cơ sở nhân rộng áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh khuyến cáo người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín; môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật nuôi./.
Phú Hòa |