Sáng ngày 13/7, tại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội thảo mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ” với sự có mặt của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An và các Phòng nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, các hộ dân nuôi tôm đến từ các huyện: Thạch Hà, Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Thị xã Kỳ Anh.
Năm 2023, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ” với quy mô 1,6 ha ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 0,8ha.
Các đại biểu được nghe kết quả mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ”
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ”. Theo đó, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ” bắt đầu thực hiện từ tháng 3 năm 2023.Tham gia thực hiện mô hình, hộ dân được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, 50% chi phí mua VitaminC, vôi và chế phẩm sinh học.
Mô hình được áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới theo công nghệ cao Đắc Lộc (Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc – là đơn vị được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nuôi tôm) và quy trình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo an toàn thực phẩm.
Kết quả sau hơn 3 tháng thả nuôi lứa tôm đầu tiên, tỷ lệ sống đạt khoảng 80%, kích cở thương phẩm 60con/kg, năng suất ước đạt 16 tấn/ha. Với giá bán tôm thời điểm hiện tại 105.000 đồng/kg, doanh thu mô hình ước đạt 1,3 tỷ, lợi nhuận mang lại hơn 400 triệu đồng.
Tham gia Hội thảo, các hộ dân đã nắm bắt được quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP. Theo đó, mô hình thực hiện sử dụng hoàn toàn bằng các loại chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản nhằm hướng đến môi trường nuôi thủy sản bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội thảo
Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận xung quanh các vấn đề áp dụng quy trình nuôi tiên tiến để tạo sản phẩm đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn do người dân chưa có thói quen phải ghi chép sổ sách, hạ tầng vùng nuôi còn yếu kém, diện tích nhỏ lẻ và chưa có sự rạch ròi giữa sản phẩm tôm VietGAP và tôm thông thường nên giá bán không cao cũng như khó khăn trong việc liên kết đầu ra, bao tiêu sản phẩm. Đây là trở ngại lớn cho việc nhân rộng mô hình.
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An phát biểu tại hội thảo
Kết thúc hội thảo, giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Nghệ An Nguyễn Thị Nga cho rằng: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ được triển khai đã cho thấy hiệu quả khá rõ rệt về mặt kinh tế cũng như môi trường và xã hội, từng bước làm thay đổi nhận thức người dân trong việc áp dụng quy trình nuôi an toàn, thân thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe con người; phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển nghề nuôi tôm các tỉnh Bắc Trung Bộ trong đó có Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, các ban ngành liên quan cần quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã hướng đến liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào (giống, vật tư sản xuất) và với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thành chuỗi liên kết giá trị mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả bền vững. cùng với đó, cần có những chính sách cụ thể, linh hoạt hơn để người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thuận lợi...
Nguyễn Hoàn
|