Chứng nhận VietGAP thủy sản không phải là một yêu cầu bắt buộc ở nước ta. Tuy nhiên với thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay, để các sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, có thể đưa cá chim vây vàng vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể,… thì việc chứng nhận VietGAP trở nên thiết yếu. Vì vậy, đầu năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên.
Mô hình thực hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Mai với diện tích 0,5 ha. Giống cá chim vây vàng thả nuôi do Phân viện nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ cung cấp có kích cỡ 8 cm/con, mật độ thả nuôi là 3 con/m2. Tham gia xây dựng mô hình, ông Mai được hỗ trợ một phần chi phí giống; thức ăn công nghiệp và hỗ trợ 100% kinh phí triển khai và tư vấn, chứng nhận VietGAP. Biết cá chim vây vàng là đối tượng thủy sản có ngưỡng oxy cao nên ông Mai còn chủ động đầu tư thêm một số vật tư, trang thiết bị cần thiết khác để triển khai mô hình như quạt nước, máy sục khí, máy phát nổ,… nhằm chủ động cung cấp đầy đủ khí oxy cho cá chim vây vàng.
Điều thuận lợi của mô hình là ao nuôi ở cạnh sông, rất thuận tiện cho việc cấp nước và thay nước định kỳ. Vị trí của ao nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của thị trấn Thiên Cầm, khu vực không bị ô nhiễm bởi nước thải của nhà máy hay nước thải sinh hoạt của khu dân cư. Trong suốt quá trình nuôi, cá chim vây vàng được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 43%, dùng sàng ăn để kiểm tra số lượng thức ăn trong một cữ ăn nhằm đảm bảo cho cá ăn đủ số lượng; không sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá chim vây vàng để ao nuôi luôn được sạch sẽ, hạn chế không có nguồn bệnh lây nhiễm chéo. Đồng thời chủ hộ thực hiện mô hình cũng chủ động bổ sung một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn cho đàn cá nuôi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mai đang thu hoạch cá chim trắng vây vàng
Là người thực hiện mô hình, ông Mai rất quan tâm đến những yêu cầu và quy định để đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài việc chú trọng đến những công việc chăm sóc đàn cá nuôi, công nhân cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo, ông còn được cán bộ tư vấn VietGAP hướng dẫn cụ thể những công việc cần làm để đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Tất cả những công việc thực hiện trong quá trình nuôi cá chim vây vàng đều được ông Mai ghi chép lại cẩn thận. Từ công đoạn chuẩn bị ao, thả giống, mua thức ăn công nghiệp, chế phẩm sinh học, vitamin bổ sung, những ngày kiểm tra các yếu tố môi trường,… đều được ông ghi chép lại.
Trao đổi với chúng tôi, chủ hộ Nguyễn Văn Mai cho biết những năm trước đây gia đình ông nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh nhưng mức độ rủi ro cao, không mang lại hiệu quả kinh tế. Năm nay, được lựa chọn là hộ thực hiện mô hình nuôi cá chim theo tiêu chuẩn VietGAP nên tập trung sức lực và kinh tế để mong mô hình thành công. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP như thế này vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất lại tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Nhờ kiên trì thực hiện những công việc cẩn thận trong suốt quá trình nuôi nên cơ sở nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Văn Mai đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) cấp chứng nhận VietGAP với mã số: VietGAP-TS-13-02-42-0016, trở thành cơ sở đầu tiên được chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng thương phẩm tại tỉnh Hà Tĩnh.
Nhờ chăm sóc tốt, khi sau hơn 5 tháng nuôi, cá chim vây vàng đã đạt trọng lượng trung bình 0,57 kg/con, tỷ lệ sống 65%, vượt kế hoạch đề ra. Với giá bán 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất ông Mai thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Như vậy đây là mô hình vừa cho chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn, truy xuất được nguồn gốc lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông trao chứng nhận VietGAP cho chủ hộ thực hiện mô hình
Cùng tham gia trao chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi, ông Nguyễn Tông Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm phấn khởi cho biết: “Mô hình nuôi cá chim vây vàng tại hộ ông Nguyễn Văn Mai là mô hình đầu tiên tại thị trấn Thiên Cầm đạt được chứng nhận VietGAP, mở ra một hướng đi mới cho bà con nơi đây. Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, nhân rộng mô hình này nhằm giúp các hộ nuôi thủy sản địa phương thực hiện nuôi đảm bảo, cung cấp thị trường các loại hải sản có chất lượng tốt, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng”.
Theo xu hướng phát triển thì con người ngày càng chú trọng đến chất lượng thực phẩm, đảm bảo sạch và an toàn nên để đảm bảo sản xuất bền vững thì người nuôi cần phải chủ động tạo nên nguồn hàng hóa giá trị cao. Vì vậy mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên tại Hà Tĩnh sẽ mở ra hướng nuôi mới đảm bảo an toàn, phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản nơi đây./.
Hoàng Thanh |