Từ vùng đất trồng cây màu kém hiệu quả, ông Trần Đình Quang, thôn Bình Nguyên, xã Bình An, huyện Lộc Hà đã mạnh dạn đầu tư nhà màng để trồng giống dưa lưới. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ, mở ra hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.
Theo con đường bê tông dẫn vào thôn Bình Nguyên, xã Bình An, huyện Lộc Hà không quá khó để tìm được vườn trồng dưa lưới của gia đình ông Trần Đình Quang. Bước chân vào cửa vườn, mùi thơm dịu ngọt của hàng trăm trái dưa đang đến độ thu hoạch khiến mọi người như quên cái cảm giác oi nồng ngoài trời.
Đang bận rộn với việc kiểm tra những quả dưa đủ độ chín để cắt cho khách hàng đã đặt trước đó, mồ hôi thấm ướt cả áo nhưng khuôn mặt ông Quang vẫn nở nụ cười tươi, vội vàng lau đôi tay vào bộ quần áo lao động, gạt bớt những giọt mồ hôi trên trán, niềm nở chào hỏi khi chúng tôi đến. "Sáng giờ tranh thủ kiểm tra dưa, rồi cắt hơn 200 quả cho khách nên bộ dạng đang lôi thôi quá!" ông Quang vừa vui vẻ phân trần.
Trang trại dưa lưới của anh Trần Đình Quang ở thôn Bình Nguyên, xã Bình An bước vào vụ thu hoạch
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn dưa, ông Quang vừa cho biết: Bình An là xã ven biển thuộc huyện Lộc Hà với điều kiện khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, chất đất pha cát, nghèo dinh dưỡng, những nơi thấp được trồng lúa nước, nơi cao cưỡng thì trồng lạc là chủ yếu, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, chỉ đảm bảo vấn đề cung cấp lương thực cho gia đình, còn để làm giàu rất khó. Xuất phát từ mong muốn thay đổi hướng phát triển kinh tế, tôi đã tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế qua thực tiễn cũng như internet, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đã được nhiều hộ dân các địa phương trong tỉnh áp dụng thành công, đặc biệt thị trường đầu ra khá thuận lợi nên tôi đã bàn với vợ vay vốn đầu tư.
Nghĩ là làm, giữa năm 2021, công trình bắt đầu khởi công. Ngoài phần diện tích của gia đình, ông Quang đã thuê thêm 3 sào đất của người dân và bỏ ra hơn1 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với 2 nhà màng, mỗi nhà 1500m2. Ông Quang cho biết, khi quyết định triển khai mô hình này, ông được hỗ trợ vay vốn từ chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và của huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên cũng đỡ phần nào về kinh phí.
Nhà màng trồng dưa khép kín được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, bên trong đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel. Với phương thức tưới này, các chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Ông Quang chia sẻ: “Để có thể đầu tư mô hình này, tôi đã tham quan, tìm hiểu rất nhiều các mô hình trong và ngoài tỉnh, đồng thời tìm tòi tư liệu qua mạng, sách vở... từ đó lựa chọn giống phù hợp, quy trình kỷ thuật và cách chăm sóc ”.
“Năm 2022, vụ dưa lưới đầu tiên được xuống giống, sau hơn 2 tháng, những quả dưa ngã màu vàng chín dần và rồi cũng đến kỳ cho thu hoạch. Lúc đó, người dân trong thôn, trong xã đến tham quan rồi mua về ăn, làm quà và được nhiều thương lái ở huyện đến thu mua. Vụ đầu coi như thành công”. Ông Quang vui vẻ nhớ lại.
Dù thắng lợi ngay vụ dưa đầu tiên, nhưng điều ông Quang lo lắng khi sản xuất với số lượng nhiều sẽ khó khăn về đầu ra. Vì vậy, để tăng vụ sản xuất, ông Quang đã chỉn chu trong từng khâu kỷ thuật và tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Sau mỗi vụ sản xuất, ông Quang lại có kinh nghiệm hơn trong khâu lựa chọn giống, cũng như kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên sản lượng ngày càng tăng. Đến nay đã là vụ dưa thứ 4, được trồng với 6000 gốc dưa lưới hoàng kim, sản lượng đạt gần 10 tấn, giá bán từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, doanh thu 500 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí, khấu hao thiết bị, cho lãi khoảng 250 triệu đồng/vụ.
Theo ông Quang chia sẻ, dưa lưới hoàng kim là giống cho quả có độ giòn cao và độ ngọt đậm, được nhiều người ưa chuộng, mỗi quả nặng 1,5-2,5 kg, có hình bầu dục, khi chín có màu vàng sáng, trên vỏ có các gân chằng chịt đan xen như lưới. Mỗi vụ dưa kéo dài khoảng 70 - 80 ngày, sau mỗi vụ thu hoạch thì dừng khoảng 2 tuần để vệ sinh để triển khai vụ tiếp theo. Dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 3-4 vụ/năm, nhưng với thời tiết khí hậu tại Hà Tĩnh chỉ thích hợp trồng được 2 vụ/năm, từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 6 đến tháng 8 (Dương lịch).
Để quả dưa có mẫu mã đẹp, chất lượng, giai đoạn bắt đầu cho quả, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch, phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Điều này giúp cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh sâu bệnh. Nhất là giai đoạn quả bắt đầu chớm ngả sang màu vàng, người trồng cần phải cắt tỉa lá xung quanh quả, giúp quả tiếp xúc với ánh sáng nhiều, tạo được đường gân đặc trưng và đảm bảo độ ngon, ngọt của giống dưa lưới này. Thời gian từ khi bắt đầu thu hoạch đến khi kết thúc vụ kéo dài 15 ngày nên gia đình có thể cắt hái và bán ra hằng ngày thay vì thu hoạch một lần. Những quả dưa lưới có kích cỡ lớn được cắt xuống trước theo đơn đặt hàng sáng sớm.
Cơ sở trồng dưa lưới của ông Quang đang tất bật thu hoạch và đóng gói để xuất bán cho các thương lái
Qua gần 3 năm thử nghiệm, nhờ áp dụng hệ thống nhà màng trồng dưa lưới, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, cùng với việc thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình ông Trần Đình Quang đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm. Mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho 3-4 lao động địa phương theo thời vụ.
Ông Đậu Ngọc Tý - Phó chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Đây là mô hình nông nghiệp đầu tiên trên địa bàn xã ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đây là mô hình đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí lớn. Vì vậy, người dân chũng như chính quyền địa phương mong muốn có sự hỗ trợ thêm về nguồn vốn, sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nâng tầm sản phẩm để tạo động lực cho hộ gia đình và những người có nguyện vọng phát triển kinh tế bằng nông nghiệp sạch đầu tư nhân rộng mô hình./.
Nguyễn Hoàn
|