Nắng nóng liên tục kèm theo các trận mưa dông bất chợt đã gây ra nhiều bất lợi cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, nhất là với những đối tượng nhạy cảm trước sự thay đổi môi trương nhất là tôm nuôi. Để hạn chế tác động tiêu cực, thời gian này, nhiều giải pháp chống nóng, quản lý, xử lý tốt môi trường ao nuôi, cách chăm sóc phòng chống dịch bệnh cho tôm đang được người nuôi đặc biệt quan tâm.
Vụ tôm Xuân Hè năm 2024, HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng, xã Thạch Hạ thả nuôi hơn 05 ha tôm thẻ chân trắng thương phẩm. Để tôm phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng gây ra, các thành viên HTX đã thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của tôm cũng như sự biến động môi trường nhằm phát hiện những bất lợi có thể xảy ra để kịp thời điều chỉnh và xử lý.
Những ngày này, anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển tôm nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng cho biết, với tình hình thời tiết nắng nóng thường làm tôm giảm ăn và chậm phát triển. Vì thế, thời gian này, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp để chăm sóc tôm nuôi như: cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ; giảm 15 - 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng; định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; Sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần để xử lý nước và đáy ao nuôi. Đặc biệt, mực nước ao nuôi luôn được đảm bảo từ 1,2-1,5 m để giảm biến động nhiệt độ nước, nhằm ổn định môi trường để tôm phát triển tốt.
Đối với tôm nuôi, nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là từ 26-32oC, vì thế khi nhiệt độ trên 33oC sẽ khiến cho tôm dễ bị sốc môi trường, dẫn tới sức khỏe yếu, tạo cơ hội cho các mầm dễ dàng xâm nhập. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao cũng khiến tôm hoạt động nhiều, tiêu tốn năng lượng dẫn tới tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường và thải ra chất thải nhiều hơn. Nắng nóng cũng khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao bị chết, môi trường trở nên phú dưỡng, giúp tảo phát triển mạnh, làm gia tăng nguy cơ nguồn nước trong ao đầm nhiễm độc tố.
Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất lợi, hiện nay nhiều cơ sở nuôi tôm thâm canh tại Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao lót bạt đáy nổi trong nhà lưới, xây dựng bể nuôi có mai che, lắp đặt hệ thống bạt che nắng. Đây là những biện pháp để bảo vệ tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh đảm bảo cho sự phát triển bình thường của tôm ngay cả khi nắng nóng.
Anh Trần Văn Minh, chủ hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa, Thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) chia sẻ. “Đợt nắng nóng kéo dài vừa rồi, nhiệt độ ngoài trời từ 36 – 38oC kéo theo nhiệt độ trong hồ nuôi tăng lên, tôm nuôi rất dễ mắc bệnh. Để chống nóng cho tôm, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao nuôi. Từ khi có nhà lưới, nhiệt độ trong ao nuôi đã giảm 7 – 8o C, đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt”.
Hộ nuôi tôm tại THT Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm thường xuyên vớt tảo tàn và bọt nước ở các góc ao, tăng cường quạt nước tạo oxy cho tôm phát triển
Tại vùng nuôi tôm của Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm ở thôn Đông Hà 2 (xã Thạch Long, huyện Thạch Hà), hầu hết diện tích đang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh nên sự biến động môi trường ao nuôi trong những ngày nắng nóng đã làm các hộ dân không khỏi lo lắng. Vì thế, các hộ nuôi phải thường xuyên ra đầm kiểm tra, theo dõi và áp dụng các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Trung Hoa – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm cho biết: Nâng cao mực nước cho ao nuôi, sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào ban đêm từ 22h đến 4h sáng, thường xuyên vớt các tảo tàn và các bọt nước trong ao, ... là những biện pháp mà các hộ dân ở đây áp dụng nhằm tạo môi trường trong sạch, tăng cường hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Thời điểm xuất hiện mưa giông, xung quanh bờ ao đều được bà con rải vôi để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống.
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của Hà Tĩnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ nuôi tôm Xuân Hè 2024, toàn tỉnh thả nuôi trên diện tích hơn 2.250 ha. Hiện tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển, một số vùng chuẩn bị bước vào thu hoạch đợt đầu. Trước nhận định, năm nay có thể xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, ngay từ đầu vụ, các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các biện pháp chống nóng, giảm nhiệt và áp dụng quy trình kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sức đề kháng tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh xẩy ra. Cùng với đó, đơn vị chuyên môn đã tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường để đưa ra các cảnh báo kịp thời nhằm ứng phó hiệu quả.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ các loại thủy sản trước những tác động tiêu cực của thời tiết là hết sức cần thiết, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi trồng thủy sản./.
Nguyễn Hoàn
|