Việc triển khai giải pháp trồng rừng và phục hồi rừng bằng giống cây bản địa là hướng đi phù hợp để ứng phó hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khắc nghiệt, góp phần làm chuyển biến, thay đổi nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm hại rừng, nâng cao giá trị hệ sinh thái của rừng tự nhiên và phát triển vốn rừng.
Thực hiện chủ trương phát triển rừng sản xuất, rừng tự nhiên, những năm qua, ngành lâm nghiệp huyện Hương Sơn đã chỉ đạo cải tạo được hàng nghìn héc ta diện tích đất trống đồi núi trọc, đối với loại rừng tự nhiên nghèo kiệt thì việc phục hồi làm giàu vốn rừng bằng trồng cây bản địa đang được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Cán bộ ngành kiểm lâm huyện Hương Sơn kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng của cây bản địa sau khi trồng
Từ năm 2022 đến năm 2023, gia đình ông Nguyễn Văn Hải ở thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã trồng được trên 1.500 cây lim và lát hoa, với diện tích 1,5 ha. Các loại cây này chủ yếu là giống cây bản địa và được trồng trên diện tích đất đã bị rửa trôi, bạc màu, hoang hóa từ nhiều năm nay. Theo kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm trồng rừng của ông Hải, muốn cây sống và phát triển tốt thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khi trồng đến chăm sóc. Đặc biệt là tránh để cây bị khô hạn và phải làm tốt công tác bảo vệ khi cây còn nhỏ chưa khép tán, không để gia súc phá hoại. Tuy nhiên, với địa hình cao, đồi dốc thì việc trồng được cây đã khó và việc chăm sóc, bảo vệ cây là điều không hề dễ dàng.
Ông Hải cho hay: “Trồng rừng trên đồi trọc như thế này người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần trồng chúng tôi chỉ có thể gùi được khoảng 20-30 cây giống lên tới đồi cao. Ngoài ra, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng nên việc chăm sóc hết sức gian nan. Nhưng vì lợi ích cho cuộc sống của thế hệ con cháu sau này, chúng tôi quyết tâm trồng, chăm sóc để phục hồi rừng một cách tốt nhất”.
Xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn có diện tích rừng khá lớn lên đến 6.000 ha, nằm ở khu vực địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Những năm trước đây, tại đây thường xảy ra nạn chặt phá rừng, lấn chiếm rừng, cháy rừng, tranh chấp đất rừng giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này, là do việc quản lý đất rừng của chính quyền địa phương nhất là cấp xã còn lỏng lẻo; người dân địa phương thiếu đất sản xuất, trong khi đó các chủ rừng nhà nước quản lý diện tích đất, rừng lớn, nhưng việc quản lý đất rừng còn nhiều hạn chế. Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp giao đất, giao rừng đến cho từng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý.
Ông Phan Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết: Đến nay, xã Sơn Kim 1 đã giao được 2.000 ha rừng tự nhiên cho người dân quản lý và bảo vệ. Song song với đó, từ năm 2019 đến nay thực hiện Nghị quyết 123 và Nghị quyết 51 của Hội đồng nhân tỉnh về chính sách phát triển lâm nghiệp, xã Sơn Kim 1 đã triển khai hỗ trợ và vận động người dân triển khai làm giàu vốn rừng bằng trồng cây bản địa. Đến thời điểm này, hầu hết số diện tích giao cho các hộ dân cơ bản đã hoàn thành trồng cây bản địa để làm giàu rừng.
Nhiều diện tích rừng trồng, cây sinh trưởng phát triển tốt, làm tăng độ che phủ rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái.
Còn tại rừng đầu nguồn ở huyện Hương Sơn, giáp biên giới Việt- Lào, nơi đây rất phong phú, đa dạng về chủng loại, trữ lượng gỗ khá lớn. Đã một thời, rừng tự nhiên nơi đây từng bị tàn phá mạnh, hệ lụy là hạn hán, lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đó là chưa kể đến hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mà nguyên nhân là do lá phổi xanh bị xâm hại, gây nên những tác động tiêu cực sau này. Thực hiện chủ trương giao đất, khoán rừng cho người dân, đặc biệt là việc phục hồi, tái sinh rừng bằng cây bản địa đã được chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và người dân tích cực thực hiện.
Ông Lê Ngọc Danh- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Hương Sơn cho biết: Hương Sơn là huyện miền núi, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 84.574 ha, chiếm 77,12% diện tích đất tự nhiên. Kể từ khi rừng được trồng mới hơn 3.000 ha bằng cây bản địa như Lim, Cồng, Sến và De ở các xã vùng rừng núi như Sơn Kim 1; Sơn Kim2; Sơn Hồng và Sơn Tây, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, cây sinh trưởng phát triển rất tốt, nhiều cây cao ngút tầm mắt. Về phía ngành kiểm lâm sẽ luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chủ rừng thực hiện phương án đã đề ra; chú trọng tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc, không để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Theo kế hoạch mỗi năm tỉnh ta trồng mới hơn 8.000 ha rừng tập trung và 3 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 52%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan. Với việc hỗ trợ, vận động người dân, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển rừng, trồng rừng bằng cây bản địa là một hướng đi đúng, phù hợp điều kiện thực tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái, góp phần làm giàu vốn rừng.
Nguyễn Hoàn |