Để tạo các sản phẩm thủy sản đa dạng, phục vụ cho nhu cầu thị trường, phát triển các mô hình kinh tế từ nuôi các đối tượng có giá trị. Năm 2024, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi Thành phố Hà Tĩnh đã triển khai mô hình thử nghiệm “Nuôi cua đồng sinh sản” đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh. Sau 2 tháng thả nuôi, cua đã mang trứng. Trải qua quá trình ấp nở, ương dưỡng, ngày 28/6 lứa cua giống đầu tiên đạt chất lượng đã được thu hoạch và đưa vào nuôi thương phẩm và tuyển chọn làm nguồn cua bố mẹ. Đây là tín hiệu thành công cho mô hình.
Cua đồng là một trong những loài giáp xác có giá trị kinh tế và phân bố rộng rãi trong các thủy vực nước ngọt như ruộng, ao, hồ, sông, suối, … Chúng được xem là một nguồn thực phẩm dân giã nhưng giàu dinh dưỡng ở đồng quê. Trong vài năm gần đây do việc khai thác cạn kiệt và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lợi cua đồng trong tự nhiên. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng làm cho môi trường sống của cua đồng ngày càng bị thu hẹp. Do đó, một số mô hình nuôi cua đồng thương phẩm đã được thực hiện, việc chăm sóc và cho ăn khá dễ dàng. Tuy nhiên, nguồn cua giống chủ yếu dựa vào khai thác từ tự nhiên nên không chủ động và tỷ lệ sống đạt thấp. Từ đó, ảnh hưởng đến sự thành công và hiệu quả của mô hình nuôi cua thương phẩm.
Để tạo nguồn con giống chủ động, chất lượng phục vụ cho việc xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi cua đồng thương phẩm, năm 2024 Thành phố Hà Tĩnh triển khai xây dựng mô hình “Nuôi cua đồng sinh sản” tại hộ anh Lê Hà Phương, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình, trên diện tích 300m2 gồm 22 bể được làm bằng khung thép, lót bạt có kích thước 6m3 (chiều dài 3m x chiều rộng 2m x chiều cao 1m). Bể được xây dựng trong nhà có mái che. Trên bể nuôi được lắp đặt hệ thống ống nhựa để cấp nước vào bể bằng hình thức phun mưa, vừa giúp giảm nhiệt vào mùa nắng nóng. Khi mở hệ thống cấp nước bằng đường ống nhựa lắp phía trên bể thì đồng thời tháo hệ thống cống, ống xả phía dưới, giúp thải thức ăn dư thừa, chất cặn bẩn đảm bảo nước trong bể nuôi luôn sạch sẽ, không bị ô nhiễm.
Anh Lê Hà Phương, chủ mô hình cho biết: “Mô hình được nhà nước hỗ trợ 50% con giống và vật thư thiết bị thiết yếu. Khi tham gia mô hình, tôi được tập huấn chuyển giao kỹ thuật từ xây dựng hệ thống nuôi cua đồng sinh sản, kỹ thuật từ khâu thả giống bố mẹ, nuôi vỗ thành thục, kích thích sinh sản, ghép đôi, chăm sóc cua mẹ ôm trứng, ôm con, nhả con, tái thành thục và ương dưỡng cua con cho đến thu hoạch cua giống. Đến nay, tôi đã thu hoạch lứa giống đầu tiên được 6,2 kg, cỡ 700 con/kg, giá bán trên thị trường hiện nay là 1.000 đồng/con. Tuy nhiên, gia đình không bán mà đưa vào nuôi thương phẩm và tuyển chọn để làm nguồn cua bố mẹ. Nếu thuận lợi, cứ 2 tuần thì tiến hành thu 1 bể cua giống, dự kiến thu 8-10 bể với số lượng và kích cỡ như trên”.
Cua mẹ ôm trứng sau 2 tháng thả nuôi
Anh Phương còn cho biết thêm “Để thành công bước đầu trong việc sinh sản nhân tạo cua đồng giống, gia đình tôi đã được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND thành phố, sự hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và BV cây trồng vật nuôi thành phố; bản thân tôi đã phải lăn lộn sớm tối để thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như: Chăm sóc, theo dõi điều chỉnh chất và lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cua (nuôi vỗ thành thục, ghép đôi, ôm trứng, ôm con, nhả con, tái thành thục, ương nuôi cua con …). Tuyệt đối, tôi không để dư thừa hoặc thiếu thức ăn, khi thức ăn thừa thì tôi kịp thời xử lý ngay, không để gây ô nhiễm nước. Khi cua ghép đôi, giao phối, ôm trứng, ấp nở, ôm con thì phải tạo môi trường thuận lợi, yên tĩnh thì tỷ lệ sống và chất lượng cua con mới đạt cao”.
Thu lứa cua giống đầu tiên, đạt yêu cầu đề ra, gia đình anh Lê Hà Phương
thả cua giống để nuôi thương phẩm và tuyển chọn nguồn cua bố mẹ.
Bà Hồ Thị Diệu Hồng - cán bộ chủ trì mô hình cho biết: “Cua giống bố mẹ đưa vào nuôi có cỡ 50-60 con/kg, mật độ thả trong bể 200-250 con/bể, tỉ lệ ghép đôi đực/cái là 3/7. Theo kế hoạch, mô hình thành công sẽ cho 700kg cua giống, kích cỡ 1.000 con/kg, giá bán 750.000 đồng/kg. Sau 2 tháng, cua mẹ đã ôm trứng và đến nay sau 4 tháng đã cho thu hoạch lứa giống đầu tiên, chất lượng và số lượng cua giống đảm bảo yêu cầu. Mô hình nuôi cua đồng sinh sản là mô hình thử nghiệm đầu tiên tại Hà Tĩnh, kết quả bước đầu đã cho thấy sự thành công của việc sản xuất nhân tạo giống cua đồng trên địa bàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo và hướng dẫn chủ mô hình mở rộng quy mô sản xuất giống; đồng thời chia sẽ kinh nghiệm cho các hộ dân trong và ngoài địa bàn đến học tập để nhân rộng mô hình sản xuất giống; tạo nguồn giống cua đồng chủ động, chất lượng phục vụ nhu cầu cho người nuôi cua thương phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và Thành phố nói riêng”.
Kim Thịnh |