Về mùa đông nhiệt độ trung bình của các tỉnh phía Bắc nói chung và Bắc Trung bộ nói riêng thường giảm sâu, có những thời điểm nhiệt độ xuống dưới 150C, đây là ngưỡng nhiệt độ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài cá nuôi. Nhiệt độ thấp trong mùa đông là nguyên nhân làm cho một số loại bệnh phát triển và gây bệnh cho cá gồm các nhóm bệnh chủ yếu sau:
1. Bệnh xuất huyết đốm đỏ do vi khuẩn:
* Dấu hiệu, triệu chứng:
Cá kém ăn hoặc bo ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước. Có các đốm đỏ trên thân, vảy, vây xuất huyết, rách nát. Cơ quan nội tạng xuất huyết, ruột xuất huyết hoại tử, thối, nát.
Cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết, đóm đỏ
* Phân bố bệnh: Bệnh thường gặp ở cá giống và cá thịt.
* Phòng trị bệnh:
- Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 2 - 3 kg/100m2 ao.
- Tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 2 - 3% ( 200 - 300g muối/10 lít nước) trong 5 - 10 phút trước khi thả cá xuống ao.
- Bổ sung Vitamin C: Vào mùa cá xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu, trộn thêm Vitamin C vào thức ăn tinh cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng 50 - 60mg/kg cá/ngày.
Ngoài ra người nuôi cần dùng các loại thảo dược để trị bệnh như:
- Cây thầu dầu tía: Ricinus com–munisL, có tên khác là dầu ve (vì hạt có các vân như viên bi ve), cây đu đủ tía, cây tù ma.
Lá thầu dầu có chất đắng, dùng để chữa bệnh loét mang, bệnh đốm đỏ cho cá có kết quả cao.
Cách dùng: Lấy lá thầu dầu bó thành bó ngâm xuống ao với lượng 250 - 300kg lá thầu dầu/ha ao nước sâu 1,5 - 2m.
Cây thầu dầu tía
2. Bệnh nấm thuỷ my:
* Dấu hiệu, triệu chứng: Trên da cá xuất hiện nhiều vùng trắng xám. Nấm phát triển như đám bông (để trong nước quan sát rõ hơn ngoài khô). Trứng có màu trắng đục xung quanh có sợi nấm.
* Phân bố bệnh: Bệnh thường gặp vào mùa đông và mùa xuân.
* Phòng và trị bệnh:
- Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 2 - 3 kg/100m2ao.
- Tắm cho cá bằng nước muối nồng độ 2 - 3% trong 5 - 10 phút trước khi thả cá xuống ao.
- Tắm cho cá bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 - 10 g/m3 nước. Thời gian tắm 15 - 30 phút.
3. Bệnh trùng quả dưa:
* Dấu hiệu, triệu chứng:
Trên da, vây, mang cá xuất hiện nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm rất nhá màu hơi trắng đục có thể thấy rõ bằng mắt thường. Cá bị bệnh này thường tách đàn bơi lờ đờ quanh bờ, khi bơi đầu hơi ngoi lên đuôi cắm xuống đáy.
* Phân bố bệnh: Bệnh thường gặp vào mùa đông và mùa xuân, mùa thu.
* Phòng trị bệnh:
- Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 2 - 3 kg/100m2 ao.
- Tắm cho cá bằng muối với nồng độ 2 - 3%. Thời gian tắm 5 - 10 phút.
- Tắm cho cá bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 - 10 g/ m3 nước. Thời gian tắm 15 - 30 phút.
4. Bệnh trùng mỏ neo:
* Dấu hiệu, triệu chứng: Cá kém ăn, gầy yếu đầu to thân nhỏ. Trùng ký sinh vào làm viêm loét da, vây và mang cá.
* Phân bố bệnh: Bệnh thường gặp vào mùa đông và mùa xuân mùa thu.
* Phòng trị bệnh:
- Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 2 - 3 kg/100m2ao.
- Dùng lá xoan đâu (để cả nhánh) đập dập bó thành từng bó thả xuống ao sau 3 – 5 ngày lá xoan có tác dụng diệt trùng.
Hình ảnh lá xoan đâu
- Tắm cho cá bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 - 10 g/ m3 nước. Thời gian tắm 15 - 30 phút.
5. Bệnh rận cá:
* Dấu hiệu, triệu chứng: Trùng ký sinh bám trên da cá hút máu cá đồng thời phá huỷ da làm viêm loét tạo điều kiện cho các sinh vật khác tấn công có thể thấy rõ bằng mắt thường. Cá bị bệnh này thường tách đàn bơi lờ đờ quanh bờ, khi bơi đầu hơi ngoi lên đuôi cắm xuống đáy.
* Phân bố bệnh: Bệnh thường gặp vào cuối mùa thu, đầu mùa đông.
* Phòng trị bệnh:
- Bón vôi nông nghiệp (CaCO3) với lượng 2 - 3 kg/100m2ao.
- Dùng lá xoan đâu (để cả nhánh) đập dập bó thành từng bó thả xuống ao sau 3 - 5 ngày lá xoan có tác dụng diệt trùng.
- Tắm cho cá bằng nước muối với nồng độ 2 - 3%, từ 5 - 10 phút trước khi thả cá xuống ao.
- Tắm cho cá bằng thuốc tím (KMnO4) nồng độ 5 - 10 g/m3 nước, từ 15 - 30p.
* Song song với việc phòng và trị bệnh cho cá nuôi, người nuôi cá cần lưu ý một số nội dung sau:
- Đối với nghề nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá nói riêng thì việc phòng bệnh là việc làm có hiệu quả, việc trị bệnh chỉ là giải pháp cứu vãn.
- Để đảm bảo môi trường tốt cho cá sinh sống và phát triển, không làm dịch, bệnh bùng phát thì cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi: Từ việc xây dựng, cải tạo ao nuôi, bể nuôi đến chọn giống, thả giống và chăm sóc quản lý. Các khâu, các bước phải được làm tuần tự, đầy đủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn kỹ thuật.
- Tắm cho cá giống trước khi thả nuôi bằng nước muối nồng độ 2 – 3% (200 - 300g muối/10 lít nước ) trong 5 - 10 phút trước khi thả cá xuống ao.
- Hiện nay, một trong những giải pháp phòng bệnh tích cực đó là sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) làm sạch môi trường và CPSH tăng sức đề kháng cho cá nuôi. Sử dụng CPSH còn góp phần tạo sản phẩm an toàn, chất lượng, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất.
- Về chế độ chăm sóc: Cần có chế độ chăm sóc thật đặc biệt, ngoài việc theo dõi thì phải cho ăn bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng hoặc thức ăn công nghiệp chất lượng cao, cho cá ăn đúng khẩu phần, đủ lượng và chất không cho ăn dư thừa gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường nước dễ phát sinh mầm bệnh. Thường xuyên bổ sung Vitamin C vào khẩu phần ăn để các loài cá có đủ sức chống chịu với rét và đề kháng tốt với bệnh tật.
Trương Huy Dũng |