Trồng cây, rau, hoa tại nhà đang phổ biến của nhiều hộ gia đình hiện nay, với mục đích không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn mà còn là niềm vui của nhiều người. Tuy nhiên, để rau củ phát triển tốt đòi hỏi đất trồng phải có đủ dưỡng chất. Vì vậy, phân bón là thành phần không thể thiếu. Thay vì sử dụng các loại phân bón được bán sẵn trên thị trường, hay phân chuồng chứa nhiều vi khuẩn, nguy cơ ô nhiễm, các hộ tự ủ phân bón hữu cơ (phân compost) với nguyên liệu là các rác thải hữu sinh hoạt hay rác thải sản xuất. Không chỉ mang tính tiết kiệm, đây còn được xem là giải pháp tích cực góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Chúng tôi xin giới thiệu “Quy trình ủ phân hữu cơ, phân vi sinh”.
1. Nguyên liệu ủ phân hữu cơ vi sinh:
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị để ủ phân hữu cơ vi sinh:
- Bột cám: 15 - 20kg (cám gạo, ngô, sắn)
- 1 - 2 kg đường hoặc 1 - 2 lít rỉ đường.
- 1 - 2 kg vi sinh vật gốc dạng bột (hoặc 1 - 2 lít chế phẩm dạng lỏng).
- 300 - 400 kg phân chuồng khô.
- Rác thải sinh hoạt hữu cơ, phế phụ phẩm nông lâm nghiệp 1 m3.
- Nước: đủ để tưới ẩm 100 - 200 lít (tùy thuộc độ khô của nguyên liệu).
Các học viên tham dự lớp dạy nghề ngắn hạn “Sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải sinh hoạt” tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
2. Các bước thực hiện ủ phân vi sinh
- Bước 1: Nếu nguyên liệu dài, cần xử lý như cắt, băm nhỏ thành các đoạn từ 5 - 10 cm.
- Bước 2: Trộn đều chế phẩm men vi sinh vật dạng bột với bột cám; hoặc hòa tan chế phẩm men vi sinh dạng lỏng với 20 lít nước (sau đó chia ra 4 phần).
- Bước 3: Hoà rỉ đường (hoặc đường, mật) với 15 đến 20 lít nước (chia ra 4 phần).
- Bước 4: Rải 1 lớp phân chuồng dày 10 - 15cm, tiếp theo rải 1/4 nguyên liệu, trải đều, vun thành đống rộng 3 - 4 m, chiều cao khoảng 20 - 30cm.
- Bước 5: Rải đều ¼ hỗn hợp (cám, chế phẩm men vi sinh) đã được trộn ở bước 2 lên lớp nguyên liệu vừa rải.
- Bước 6: Tưới đều 5 lít dung dịch (1/4 lượng) rỉ mật (hoặc nước đường) đã pha ở bước 3 lên lớp nguyên liệu vừa được rải cám trộn men vi sinh; sau đó dùng nước sạch hoặc nước tiểu, nước rửa chuồng trại, nước bioga tưới kết hợp đảo đều.
- Bước 7: Kiểm tra độ ẩm của đống ủ bằng cách dùng tay nắm chặt nguyên liệu, khi thấy nước nhỉ ra qua kẽ ngón tay thì độ ẩm đạt 60 - 70% là đạt yêu cầu, nếu độ ẩm chưa đạt cần tưới bổ sung nước đến khi đạt yêu cầu.
- Bước 8: Tiếp tục rải lớp thứ 2 lên với chiều cao 20 - 30cm và sau đó tiếp tục làm các bước tiếp theo tương tự như lớp thứ nhất cho đến khi hết nguyên vật liệu đã chuẩn bị.
- Bước 9: Khi đã hoàn thành các lớp, tiến hành phủ bạt bạt và chèn xung quanh các mép của tấm phủ tránh bị gió thổi bay tấm phủ.
- Bước 10: Đào rãnh thoát nước nhỏ xung quanh khu vực ủ phân, đồng thời làm 1 hố nhỏ để nước ủ phân chảy vào tránh chảy lan ra ngoài làm ảnh hưởng đến cây trồng và môi trường xung quanh.
- Bước 11: Sau 7 - 10 ngày kiểm tra đống ủ nếu nhiệt độ không đạt yêu cầu cần bổ sung vi sinh, nếu độ ẩm cao bổ sung vật liệu khô, độ ẩm thấp bổ sung thêm nước để đạt 60 - 70%; đồng thời tiến hành đảo đống một lần với cách thức đảo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong.
- Bước 12: Sau 30 - 45 ngày (kể từ ngày ủ đầu tiên) sau 3 - 4 lần đảo thì có thể đưa phân ra sử dụng.
3. Các chú ý khi sản xuất phân vi sinh
- Độ ẩm phải đạt được từ 60 - 70%.
- Cần đảo đều trong quá trình ủ và đảo lại sau khi ủ 7 - 10 ngày.
- Các loại vật liệu khô (rơm rạ cần tưới ẩm trước khi ủ 12 - 24 giờ).
- Không sử dụng Vôi và tro bếp khi ủ phân.
- Không để đống ủ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, bạt che phải dùng loại tối màu.
- Không nên nén chặt đống khi ủ.
- Bảo quản phân ở nơi thoáng mát, tránh mưa, nắng làm chết các vi sinh vật có ích trong phân. Thời gian bảo quản tối đa là 6 tháng kể từ ngày SX, tốt nhất là 2 tháng với mùa hè, 3 tháng với mùa đông./.
Phan Đức Hải |