Khi rừng bị thiệt hại do thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở đất, cần có các biện pháp khắc phục kịp thời để giảm thiểu thiệt hại và phục hồi hệ sinh thái rừng. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể để khắc phục thiệt hại rừng do thiên tai gây ra:
1. Đánh giá mức độ thiệt hại
- Tiến hành kiểm tra toàn diện: Sau khi thiên tai xảy ra, cần kiểm tra toàn bộ khu vực rừng bị ảnh hưởng để đánh giá mức độ thiệt hại về diện tích rừng, hệ sinh thái và các loại cây rừng.
- Phân loại thiệt hại: Phân loại thiệt hại thành các mức độ như thiệt hại nhẹ, vừa và nặng để có biện pháp khắc phục phù hợp. Điều này giúp xác định khu vực cần phục hồi ngay lập tức hoặc khu vực có thể phục hồi dần theo thời gian.
Khi rừng bị thiệt hại do thiên tai như bão, lũ lụt, sạt lở đất, cần có các biện pháp khắc phục kịp thời để giảm thiểu thiệt hại và phục hồi hệ sinh thái rừng
2. Xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại đối với rừng sản xuất
- Đối với rừng trồng thuộc sở hữu của chủ rừng do chủ rừng quyết định việc khai thác, tận dụng, tận thu, sau khi khai thác, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
- Đối với gỗ rừng sản xuất là rừng trồng do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, rừng phòng hộ là rừng trồng: tổ chức đánh giá mức độ thiệt hại, ước tính giá trị lâm sản tận thu; phương thức, điều kiện khai thác, tận thu, cụ thể:
+ Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gẫy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gẫy trên 70%), thì khai thác, tận thu toàn bộ số cây. Sau khi khai thác, tận thu, chủ rừng có trách nhiệm trồng lại rừng ngay vụ kể tiếp khi có thời tiết thuận lợi.
+ Đối với diện tích rừng bị thiệt hại nhẹ, số cây còn lại đủ tiêu chí thành rừng thì chỉ tận thu những cây bị đổ, gẫy.
- Thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại do bão thực hiện theo quy định hiện hành.
- Khai thác, tận dụng, tận thu ngay sau khi có điều kiện thời tiết thuận lợi; liên hệ các cơ sở thu mua, cơ sở chế biến trên địa bàn để thu mua hết lượng lâm sản khai thác, tận thu.
Cần khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng bị thiệt hại do bão thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Phục hồi, trồng lại rừng sau thiên tai
- Chuẩn các nguồn giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án trồng lại rừng.
- Khẩn trương khắc phục, sửa chữa, tiêu độc khử trùng các vườn ươm để đưa vào sản xuất.
- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật khơi ránh thoát nước, phun thuốc phòng chống nấm bệnh ảnh hưởng đến số lượng cây con hiện còn, phun thuốc chống mối; đồng thời, triển khai ngay công tác sản xuất cây giống có hiệu quả, chất lượng, đảm bảo cung cấp đủ cây giống cho công tác trồng, chăm sóc rừng bị thiệt hại.
4. Bảo vệ rừng sau thiên tai
- Thiết lập hệ thống bảo vệ rừng: Sau khi trồng lại rừng hoặc để rừng tái sinh tự nhiên, cần thiết lập hệ thống bảo vệ rừng, bao gồm tuần tra, bảo vệ các khu vực rừng tái sinh, chống cháy rừng và ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép.
- Phòng chống cháy rừng: Sau thiên tai, cây cối bị đổ gãy hoặc khô héo có thể dễ dàng gây cháy. Cần tăng cường công tác phòng chống cháy rừng bằng cách loại bỏ những vật liệu dễ cháy và xây dựng các biện pháp phòng cháy hiệu quả.
5. Xây dựng các công trình phòng chống thiên tai
- Xây dựng đê điều, kè chắn sóng: Đối với khu vực rừng ven biển hoặc rừng ngập mặn, cần xây dựng các công trình phòng chống bão lũ như đê điều, kè chắn sóng để bảo vệ rừng trước thiên tai trong tương lai.
- Khơi thông dòng chảy: Tại các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn, cần thường xuyên khơi thông dòng chảy để tránh tình trạng ngập úng và sạt lở đất trong mùa mưa bão.
6. Giám sát và đánh giá sau phục hồi
- Theo dõi quá trình phục hồi: Sau khi tiến hành các biện pháp khắc phục, cần theo dõi quá trình phục hồi của rừng trong một thời gian dài để đánh giá hiệu quả.
- Điều chỉnh biện pháp phù hợp: Nếu phát hiện các vấn đề phát sinh như rừng không tái sinh đúng kế hoạch hoặc thiên tai tiếp tục xảy ra, cần có các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
7. Về nguồn vốn trợ khắc phục thiệt hại
Sau khi đã thông kê thiệt hại, chủ rừng liên hệ cơ quan chức năng địa phương để được hướng dẫn hỗ trợ khắc phục thiệt hại, cụ thể:
- Đối với những diện tích rừng bị thiệt hại thuộc vùng được chi trả dịch vụ môi trường rừng thì sử dụng trong 5% kinh phí theo quy định tại điểm d, khoản 2 3 Điều 70 Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để hỗ trợ.
- Đối với các diện tích rừng bị thiệt hại khác thì sử dụng nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 02/2017/CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ để hỗ trợ./.
Hữu Ngọc
|