Vũ Quang là huyện miền núi biên giới đầu tiên trong cả nước hoàn thành đạt chuẩn chương trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Vũ Quang đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Tận dụng lợi thế lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi, nhiều hộ dân tại thị trấn Vũ Quang đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống lồng bè thả nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá leo, cá trắm giòn, cá chép giòn….
Theo các hộ dân, nguồn nước tại đây rất phù hợp cho cá phát triển, cá nhanh lớn và ít bị dịch bệnh. Đối với cá leo, cá trắm, cá chép, sau 6 - 8 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng từ 2 - 5kg. Đối với cá lăng thì sau 1 - 2 năm sẽ thu hoạch, mỗi con trọng lượng 2 - 4kg. Mỗi lồng nuôi với diện tích 100m3 đạt sản lượng khoảng 1 tấn cá/lứa, mỗi năm thu hoạch 2 lứa, sau khi trừ chi phí sẽ đem về nguồn thu lớn cho gia đình.
Nuôi cá lồng trên đập Ngàn Trươi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân
Ông Lê Thanh Hảo, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang cho biết: Mô hình nuôi cá lồng bè trên đập Ngàn Trươi được xem là hướng đi mới nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập cho ngươi dân vùng núi Vũ Quang, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cùng với nhiều địa phương trong huyện, những năm gần đây, nhờ chú trọng đưa các giống cây, con đạt hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nên đời sống của người dân xã Đức Giang đã được cải thiện đáng kể, nhiều gia đình đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Nổi bật là mô hình nuôi chồn hương của gia đình chị Lê Thị Quyên ở thôn Hợp Phát. Chị Quyên cho biết: “Cuối năm 2021, được người thân ở Hải Phòng hướng dẫn nuôi chồn hương, gia đình tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại rộng gần 500m2 và mua 50 cặp giống về nuôi thử nghiệm. Nhờ chăm sóc tốt nên mô hình đã có thu nhập ổn định. Năm 2023, tôi đã xuất bán lứa đầu tiên với 25 cặp chồn hương giống, thu về hơn 600 triệu đồng. Còn từ đầu năm 2024 tới nay, tôi đã bán được 40 cặp chồn giống, thu về hơn 1 tỷ đồng. Ngoài mang về thu nhập ổn định, mô hình nuôi chồn của gia đình còn trở thành điểm tham quan, học hỏi của bà con trong và ngoài xã. Chúng tôi rất vinh dự và sẵn lòng chia sẻ bí quyết để bà con cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế”.
Theo lãnh đạo UBND xã Đức Giang, nhờ tinh thần nỗ lực vươn lên làm giàu của người dân, trên địa bàn xã hiện đã xây dựng được 215 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm trở lên.
Cùng với duy trì phát huy thế mạnh các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương, thời gian qua huyện Vũ Quang đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ vào áp dụng. Qua thực tế những mô hình này bước đầu phát triển tốt, mở ra triển vọng để nhân rộng.
Mô hình bí xanh hữu cơ đem lại thu nhập ổn định
Xác định cây cam là cây trồng chủ lực, huyện Vũ Quang đã đẩy mạnh sản xuất cam theo hướng hữu cơ. Theo đó, trên địa bàn hiện có gần 80 ha cam/7 tổ hợp tác được công nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Các mô hình này đều mang lại sản phẩm chất lượng, được thương lái thu mua với giá cao, nhờ đó hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ nét.
Trang trại cam Bảo Phương xã Quang Thọ trồng hơn 2.000 gốc cam chanh trên diện tích hơn 6ha, trong đó có hơn 500 gốc đã cho thu hoạch. Nhờ được tập huấn và thực hiện chăm sóc cam theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, đặc biệt dùng biện pháp bao quả 100% nên cam cho quả đẹp và ngọt đậm, giá bán cao, tiêu thụ dễ. Hiện, đã vào mùa thu hoạch cam, trang trại đang tỉa xuất bán dần với giá sỉ tại vườn từ 40 - 45 nghìn đồng/kg, giá bán lẻ từ 55 - 60 nghìn đồng/kg.
Phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới
Ngoài cây cam, trên địa bàn huyện Vũ Quang cũng đã xây dựng được 18 mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, gồm: 2 mô hình trồng lúa; 2 mô hình trồng na; 2 mô hình trồng ổi; 2 mô hình trồng bí xanh; 2 mô hình nuôi lợn; 2 mô hình nuôi cá lồng bè; 3 mô hình nuôi dúi; 2 mô hình nuôi chồn; 1 mô hình nuôi ốc bươu đen.
Trong đó mô hình trồng bí xanh theo hướng hữu cơ của gia đình ông Đoàn Quốc Hoài ở thôn 1, xã Quang Thọ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Hoài cho biết: "Gia đình tôi hiện trồng hơn 2.000m2 bí xanh theo quy trình hữu cơ. Đây là vụ thứ 2 chúng tôi trồng loại cây này. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, các diện tích bí đã cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, tới vụ thu hoạch được thương lái đến thu mua ngay tại vườn. Vụ bí năm ngoái, gia đình chúng tôi xuất bán được hơn 4 tấn quả, thu về hơn 30 triệu đồng. Chính nguồn thu này đã giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, có điều kiện đóng góp, chung sức cùng xã nhà xây dựng NTM".
Nhờ sự đồng hành, “tiếp sức” của các cấp, trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế của người dân Vũ Quang đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên. Tính đến nay, địa phương đã xây dựng được gần 2.000 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.
Bà Nguyễn Thị Lương - Phó Chánh văn phòng nông thôn mới huyện Vũ Quang cho biết: “Xác định việc phát triển kinh tế đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương nên huyện luôn khuyến khích bà con tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập và có nhiều chính sách hỗ trợ như: tổ chức tham quan học hỏi các mô hình hiệu quả trong và ngoài tỉnh; chuyển giao khoa học kỹ thuật; xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, lễ hội…
Khi kinh tế được cải thiện, đời sống được nâng lên, bà con có điều kiện hưởng ứng các hoạt động, phong trào tại địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần giúp địa phương vững tin chinh phục mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2025”.
Trương Thị Quyên |