Trên diện tích đất gò đồi trước đây chỉ trồng cây keo lá tràm làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng và thu nhập trên đơn vị diện tích không cao, nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng giúp cải tạo đất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2021, hộ ông Lê Ngọc Tin – thôn Sơn Nam – xã Cẩm Thịnh – huyện Cẩm Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi 3.000 m2 sang trồng cây Sâm bố chính.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất gò đồi kém dinh dưỡng, qua quá trình sản xuất với nhiều loại cây trồng nhưng cây sinh trưởng phát triển kém và năng suất thấp, sau thời gian gia đình ông Lê Ngọc Tin đã lựa chọn trồng cây Keo lá tràm. Tuy nhiên, thời gian thu hoạch dài, đất kém dinh dưỡng nên cây phát triển chậm, năng suất thấp. Với mong muốn nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và tìm ra được loại cây trồng phù hợp nhất để phát triển sản xuất trên mảnh đất nghèo ông Tin đã thông qua nhiều kênh như báo, đài, trang mạng,… và biết đến cây sâm bố chính. Sâm bố chính là một loại cây dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau và có khả năng chịu hạn tốt. Bên cạnh đó sâm Bố chính là cây dược liệu, có nhiều công năng ứng dụng trong các bài thuốc nam chữa các bệnh gan, thận, đại tràng, dạ dày, bồi bổ sức khỏe, lưu thông khí huyết, ngâm rượu, làm nước giải khát,... mang lại giá trị cao.
Vườn sâm bố chính sinh trưởng, phát triển xanh tốt trên vùng đất gò đồi
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông, hội nông dân xã, ông đã được đi tham quan, học tập mô hình trồng cây sâm bố chính có hiệu quả tại Thạch Khê và mua giống về trồng. Ban đầu ông đã đầu tư 30 triệu đồng gồm chi phí mua giống, làm đất, đầu tư hệ thống tưới nước,… qua quá trình trồng cho thấy, cây Sâm bố chính thích nghi với vùng đất gò đồi của gia đình.
Ông chia sẻ: “Qua quá trình trồng cho thấy cây sâm bố chính là loại cây có khả năng chịu hạn tốt, khá phù hợp với vùng đất gò đồi của gia đình nói riêng và vùng đất xã Cẩm Thịnh nói chung. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt thì trước khi xuống giống, cần cày bừa xới xáo làm kỹ đất để sạch cỏ, tơi xốp, sau đó bón lót phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học nhằm xử lý đất đảm bảo và rắc vôi bột khử chua. Không sử dụng phân bón hoá học trong quá trình trồng cây sâm bố chính”
Vào đầu năm 2023, vườn sâm bố chính của ông Tin cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất 1,3 tấn. Củ sâm bố chính được bán ra với mức giá tuỳ loại, cụ thể: loại 14 củ/kg có giá 200.000 đồng/kg, loại 4 – 6 củ/kg có giá 600.000 đồng/kg. Giá bán sâm thương phẩm cao nhưng gia đình ông Tin lại lựa chọn để sâm dùng ngâm rượu. Củ Sâm sau khi được thu hoạch từ vườn sẽ được ngâm với nước gạo trong khoảng 1 ngày nhằm ra bớt chất nhầy, đây cũng là công đoạn quan trọng giúp rượu sâm có màu vàng đẹp, có vị thơm và không có mùi hăng của đất. Sau khi làm sạch thì phơi khô sau đó ngâm vào bình theo các kích thước khác nhau để đáp ứng với nhu cầu của khách hàng. Đối với rượu ngâm, ông Tin sử dụng loại rượu nếp có độ cồn từ 35 – 40 độ được công nhận đạt chuẩn OCOP nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, bình ngâm rượu được chọn là bình sành sứ hoặc bình thuỷ tinh. Rượu sâm bố chính được ngâm theo tỷ lệ 1 kg sâm bố chính ngâm với 6 – 7 lít rượu, sau đó đậy nắp bình, xây khuôn viên rồi rải lớp đất thịt màu phía dưới, phía gần trên miệng bình bỏ đá để giữ cho lớp đất, bình cố định với nhau và bảo quản nơi thoáng mát. Thời gian từ giai đoạn ngâm đến khi thành sản phẩm rượu sâm từ 1,5-2 năm, chi phí đầu tư bình và rượu ngâm từ 20 - 40 triệu đồng, giá bán mỗi bình giao động từ 80.000 đồng đến 20 triệu đồng/bình tùy vào số lượng và kích thước của sâm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập về từ rượu Sâm khoảng 150 – 200 triệu đồng.
Sản phẩm sâm bố chính xây dựng đạt chứng nhận OCOP 3 sao
Để ra được sản phẩm rượu sâm tốt ông Tin cho biết: "Lựa chọn thời điểm thu hoạch phải thật sự chính xác thường khi cây sâm bố chính trồng gần 1 năm, cây già có lá chuyển màu ngả vàng, củ chuyển từ màu trắng sang màu vàng, có trọng lượng khoảng 2 – 8gam/củ là lúc thu hoạch đảm bảo chất lượng nhất. Để được bình rượu chất lượng cần lựa chọn củ sâm đạt tiêu chuẩn nhất".
“Hiện tại gia đình tôi đang ngâm khoảng 70 chum rượu, dự kiến thời gian tới sẽ tăng lên 100 chum, ủ khoảng 9.000 lít rượu” – ông Tin chia sẽ thêm.
Để nâng cao giá trị sản phẩm rượu sâm bố chính, gia đình ông Tin cùng chính quyền địa phương xây dựng thành sản phẩm OCOP và vào đầu năm 2024 sản phẩm rượu sâm bố chính đã được làm thủ tục hồ sơ để cấp chứng nhận OCOP 3 sao với tên gọi “Rượu Sâm Bố chính Chiều Tin”.
Chum được bảo quản nơi thoáng mát với kích thước đựng từ 80 - 100 lít rượu Sâm bố chính
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh, chia sẻ: “Qua mô hình sản xuất và chế biến sâm bố chính của gia đình ông Tin, tin tưởng rằng với thương hiệu “Rượu Sâm Bố chính Chiều Tin” đạt chuẩn OCOP 3 sao, đây là một trong những mô hình thành công nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất gò đồi của xã và mang lại hiệu quả cho hộ dân nói riêng và của xã Cẩm Thịnh nói chung. Trong thời gian tới UBND xã sẽ tuyên truyền để các hộ dân trong xã tham quan học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình để đủ nguồn cung cấp nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến “Rượu Sâm Bố chính Chiều Tin” thành sản phẩm chủ lực tại địa phương”./.
Vân Anh
Trung tâm UDKHKT&BVCTVN Cẩm Xuyên
|