Ủ chua thức ăn chăn nuôi là biện pháp bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh thông qua quá trình lên men yếm khí. Phương pháp này đã và đang được nhiều hộ dân ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) áp dụng rộng rãi, cho hiệu quả cao.
Nhiều lợi ích mang lại
Đến thăm trang trại chăn nuôi trâu bò quy mô lớn nhất tại huyện Hương Khê của HTX Thông Hà ở xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê vào những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là những bao tải lớn thức ăn được ủ chua cách đây cả tháng trước. Anh Nguyễn Quang Thông, giám đốc HTX Thông Hà cho biết: Để đảm bảo thức ăn cho đàn trâu duy trì từ 300 - 500 con, ngoài trồng 2ha cỏ voi và cỏ VA06, chúng tôi đã phải thu mua thêm rơm rạ để dự trữ và ngô sinh khối để chế biến thức ăn ủ chua, bình quân gần 100 tấn/năm.
Theo anh Thông, đối với chăn nuôi quy mô lớn, điều quan trọng là nguồn thức ăn phải luôn chủ động. Để làm được điều này thì HTX đã đầu tư các loại máy móc như: máy cắt và xay các loại cỏ, ngô; máy trộn nguyên liệu và máy nén thức ăn khi ủ… để đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời thức ăn cho đàn trâu. Hầu như nguồn thức ăn thô xanh được trang trại sử dụng ủ chua quanh năm, nhưng nhiều nhất là trong 6 tháng mùa mưa, thời gian này, đàn trâu của HTX sử dụng lên đến 40% là thức ăn ủ chua để thay thế thức ăn thô xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày.
HTX Thông Hà luôn chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu bằng phương pháp ủ chua thức ăn với quy mô gần 100 tấn/năm.
Nhận thấy nhiều lợi ích mang lại, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trâu bò trên địa bàn huyện Hương Khê cũng đã tích cực áp dụng biện pháp ủ chua thức ăn chăn nuôi. Đồng thời chuyển đổi phương thức từ chăn thả sang nuôi nhốt vỗ béo nhằm tăng hiệu quả sản xuất.
Những năm trước gia đình bà Nguyễn Thị Nga, thôn Ngọc Lau, xã Hương Vĩnh huyện Hương Khê chỉ nuôi 2-3 con bò bằng cách chăn dắt. Nhưng từ khi áp dụng biện pháp ủ chua thức ăn, gia đình bà đã chuyển sang nuôi nhốt và tăng đàn để phát triển kinh tế. Bà Nga cho hay: Trước kia do chăn nuôi trâu bò bằng hình thức chăn thả nên mất nhiều công sức và thời gian nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, việc chăn thả ngoài đồng dễ phát sinh dịch bệnh, trâu bò chậm lớn. Từ khi áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu bò, thấy việc chăm sóc nhẹ công hơn, do nguồn thức ăn luôn chủ động, trâu bò nhanh lớn, ít dịch bệnh, nhất là về mùa đông không lo trâu bò bị đói rét nên chúng tôi đã chuyển sang nuôi nhốt vỗ béo và tăng đàn lên 10 con, mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng.”.
Trong chăn nuôi trâu bò thức ăn thô xanh chiếm vị trí rất quan trọng và chiếm hớn 90% khẩu phần thức ăn hàng ngày. Vì thế, đã có rất nhiều hộ gia đình đã tự dành ra một phần đất nông nghiệp để trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Nhưng cỏ chỉ sinh trưởng và phát triển tốt trong vụ hè thu và vụ xuân, vào mùa đông, nhất là thời điểm mưa lụt kéo dài, nguồn thức ăn xanh không đáp ứng đủ, dẫn đến khan hiếm. Thực tế, trước đây, ở các huyện miền núi của Hà Tĩnh vẫn thường xảy ra tình trạng bò chết đói, chết rét. Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh bổ sung cho trâu, bò trong vụ đông, nhiều hộ dân đã thực hiện mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ các nguồn nguyên liệu sẵn như cây ngô, cây cỏ trồng trong vườn và ngoài đồng. mô hình góp phần dự trữ và khai thác hiệu quả từ nguồn thức ăn thô xanh và các phụ phẩm của ngành nông nghiệp cho vật nuôi, khắc phục tình trạng khan hiếm thức ăn chăn nuôi vào mùa mưa và những ngày đông giá rét. Việc ủ chua thức ăn sẽ kích thích vị giác cho trâu bò cải thiện và nâng cao chất lượng dinh dưỡng thức ăn giúp vật nuôi tiêu hóa tốt tăng sức đề kháng chống dịch bệnh, nếu bảo quản tốt, thức ăn có thể dự trữ được 6 tháng. Điều đáng nói, quy trình ủ chua không quá phức tạp nên người dân dễ áp dụng.
Tiếp sức từ chính sách phát triển chăn nuôi
Hương Khê là địa phương có tổng đàn trâu bò lớn của tỉnh nhưng lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ, nên trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trước đây, sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi phụ thuộc vào mùa vụ và không tận dụng triệt để giá trị của các loại cây trồng. Vì không đảm bảo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi thường xuyên, đầy đủ nên người dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Toàn huyện Hương Khê đã nhân rộng trên 500 mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi.
Với mục tiêu phát triển tổng đàn, nâng cao hiệu quả kinh tế dựa trên tiềm năng lợi thế của địa phương về diện tích vườn đồi trồng cỏ và diện tích trồng ngô sinh khối cũng như tận dụng các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn; năm 2021, UBND huyện Hương Khê đã có chính sách khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất xây dựng mô hình ủ chua cây ngô sinh khối làm thức ăn phục vụ chăn nuôi. Theo đó, mỗi mô hình đảm bảo tiêu chí chăn nuôi từ 5 con trâu, bò trở lên; cam kết duy trì mô hình tối thiểu trong 3 năm được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, dụng cụ chứa nguyên liệu là các loại bao bì để thực hiện mô hình ủ chua thức ăn chăn nuôi.
Ông Nguyễn Thành Sơn - Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện Hương Khê cho biết: Cùng với hỗ trợ kinh phí, UBDN huyện Hương Khê đã giao các phòng ban chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn quy trình kỷ thuật ủ chua thức ăn chăn nuôi cho bà con bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” nên người dân dễ nắm bắt và dễ thực hiện. Để việc sử dụng thức ăn ủ chua đảm bảo hiệu quả, bà con cần chú ý lượng thức ăn ủ chua sử dụng cho mỗi con và cho cả đàn tuỳ thuộc vào lượng thức ăn thô xanh cần thay thế trong khẩu phần. Vào ngày đầu tiên nên cho ăn lượng nhỏ để cho trâu bò ăn quen dần, sau đó tăng dần và đến ngày thứ 3 hay thứ tư thì cho ăn lượng tối đa cần thiết. Theo đó, lượng thức ăn ủ xanh cho ăn một ngày đêm đối với trâu, bò: 7 - 12kg, bê, nghé: 4 - 7kg. Ngoài ra cho ăn thêm cỏ xanh và rơm. Nếu trâu, bò có chửa ở thời kỳ cuối; trâu, bò nuôi con; bê nghé quá nhỏ, đang bị tiêu chảy không cho ăn thức ăn ủ chua.
“với những lợi ích thiết thực từ phương pháp ủ chua thức ăn gia súc đã cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu trong việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện đã nhân rộng được 500 mô hình, tập trung ở các xã Hương Vĩnh, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Đô và Phúc Đồng. Cùng với đó, tổng đàn trâu bò cũng tăng lên rõ rệt, từ 30.000 con năm 2022 lên 34.000 con năm 2024. Điều ý nghĩa hơn, khi mô hình được áp dụng rộng rãi sẽ tạo ý thức, thói quen với người dân Hương Khê trong phát triển sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho hiệu quả cao. Đây sẽ là cơ sở để huyện hương khê tiếp tục tăng đàn trâu bò theo hướng chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi quy mô lớn tập trung gia trại, trang trại và phát triển bền vững.”. Ông Nguyễn Thành Sơn thông tin thêm./.
Nguyễn Hoàn
|