Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh xây dựng mô hình trình diễn “Nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Hộ Độ nhằm giúp người dân địa phương học tập quy trình nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP và tiếp cận với các doanh nghiệp thu mua thủy sản uy tín để chủ động trong tiêu thụ sản phẩm. Mô hình đã đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình được thực hiện tại ao nuôi của bà Lê Thị Khuyên, vùng nuôi trồng thủy sản Phú Mỹ (xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), với quy mô 0,5 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 6.150 con giống cá chim vây vàng, toàn bộ kinh phí chuyển giao kỹ thuật và chứng nhận VietGAP, số kinh phí còn lại do người dân tham gia mô hình đối ứng.
Những năm trước đây, gia đình bà Khuyên chủ yếu thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên môi trường bị suy thoái, dịch bệnh xẩy ra nhiều nên hiệu quả không cao. Cách đây 3 năm Bà đã thả giống cá chim vây vàng để nuôi với hình thức nuôi quảng canh, cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn cá tạp. Với cách nuôi tự phát, gần như không có đầu tư về kỹ thuật nên môi trường nước ao rất khó quản lý, tỷ lệ cá hao hụt rất lớn và hiệu quả kinh tế thu được không đáng kể.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông trao chứng nhận VietGAP cho chủ hộ thực hiện mô hình
Đầu năm 2024, sau khi được cán bộ kỹ thuật tư vấn và lựa chọn là nơi thực hiện mô hình, bà Khuyên rất sẵn sàng để chuyển đổi phương thức từ nuôi cá chim vây vàng quảng canh sang nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Bà đã thuê người đào ao sâu hơn để đảm bảo mức nước cho cá phát triển; tu sửa lại hệ thống cấp thoát, nước riêng biệt; quy hoạch lại ao lắng, ao chứa nước thải,… Cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, bà Khuyên đã lựa chọn được cơ sở cung cấp giống cá chim vây vàng khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, chất lượng đảm bảo, giấy tờ kiểm dịch đầy đủ. Quá trình nuôi bà Khuyên hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm 43% để đảm bảo cho cá chim vây vàng đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Hàng ngày bà đều ghi chép nhật ký cẩn thận về số lần cho cá ăn trong ngày, lượng thức ăn cũng như loại thức ăn sử dụng; các chỉ số về yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, hàm lượng oxy,.... Vì vậy bà luôn quản lý được lượng thức ăn vừa đủ để cho cá chim vây vàng ăn, không cho thiếu quá làm cá chậm lớn và cũng không cho thức ăn dư thừa gây lãng phí, dễ ô nhiễm môi trường.
Nhờ việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng của mô hình đã đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con; hệ số thức ăn 1.6; sản lượng đạt 5,4 tấn; đạt năng suất bình quân 10,8 tấn/ha. Với giá bán 138.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mô hình đạt lợi nhuận trên 180 triệu đồng/0,5 ha. Và cơ sở nuôi trồng thủy sản của bà Khuyên đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) cấp giấy chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông đang nghiệm thu kết quả thực hiện mô hình
Rất phấn khởi, bà Lê Thị Khuyên - Chủ hộ thực hiện mô hình – chia sẻ: “Thật sự cảm ơn Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành giúp gia đình tôi nuôi được cá chim vây vàng đúng kỹ thuật, đạt kích cỡ thương phẩm lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như thế này. Nhờ thực hiện mô hình này, gia đình tôi nói riêng cũng như một số bà con ở xã Hộ Độ nói chung đã thay đổi được nhận thức về việc nuôi trồng thủy sản đúng kỹ thuật, nuôi bền vững”.
Ông Hoàng Hải Đường - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết: “Xã Hộ Độ đang phấn đấu để cuối năm nay sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Và mô hình nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao như thế này là một điều kiện rất thuận lợi để chúng tôi nhân rộng, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt tiêu chí về tổ chức sản xuất trong việc xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao”.
Người dân tham quan học hỏi mô hình
Đồng chí Trương Huy Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – theo dõi, chỉ đạo thực hiện các mô hình về lĩnh vực thủy sản cho biết thêm: “Cá chim vây vàng là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng chống chịu với môi trường tốt, chi phí đầu tư vừa phải, cá có thể đưa vào nuôi tại các vùng nuôi tôm kém hiệu quả nên người dân thuận lợi đầu tư sản xuất. Đây là mô hình thứ 2 của tỉnh Hà Tĩnh đạt chứng nhận VietGAP trên đối tượng cá chim vây vàng. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng ra các địa phương để bà con được biết, học hỏi, phổ biến nhân rộng mô hình, góp phần phát triển mạnh nghề nuôi cá mặn lợ và tăng thu nhập cho người dân”./.
Hoàng Thanh
|