Nhiều nông dân ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng cây ngắn ngày hiệu quả kinh tế thấp sang trồng dâu để nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao, có những hộ thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.
Xã An Dũng huyện Đức Thọ là địa phương thuần nông. Ngoài trồng lúa, người dân nơi đây đã tận dụng đất vườn trồng các loại cây ngắn ngày như khoai lang, sắn và nhiều loại cây màu khác. Tuy nhiên, do sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Chính vì vậy, qua tìm hiểu và chịu khó học hỏi, nhiều hộ dân đã chuyển đổi phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.
Tiên phong áp dụng mô hình này phải kể đến anh Nguyễn Công Chính ở thôn Tân Tiến, xã An Dũng. Từng có kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm nhiều năm ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2021 anh Nguyễn Công Chính đã về quê lập nghiệp và quyết định cải tạo vườn và chuyển diện tích hơn 8 sào từng trồng khoai và sắn sang trồng dâu để nuôi tằm.
Anh Nguyễn Công Chính người tiên phong mạnh dạn chuyển đổi đất vườn trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng dâu để nuôi tằm tại xã An Dũng.
Anh Nguyễn Công Chính chia sẻ: “Không như những loại cây trồng khác, cây dâu chỉ trồng một lần và cho thu hoạch trong nhiều năm vì đây là loại cây trồng có đặc điểm tái sinh mạnh, cho năng suất ổn định. Ngoài diện tích trồng dâu, tôi đã đầu tư lắp đặt giá đỡ và né để nuôi tằm. Bước đầu nuôi, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, do thời tiết khí hậu tại Hà Tĩnh khắc nghiệt hơn nên số lượng kén thu được không nhiều. Nhưng sau đó, tôi vừa nuôi vừa chú tâm quan sát kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm nên những lứa tằm sau đều cho sản lượng kén cao hơn.”.
Để giúp người dân phát triển nghề nuôi tằm anh Chính đã đứng ra hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Theo anh Chính, trứng tằm được ấp sau 9-11 ngày sẽ nở. Tằm con được ươm trong thời gian 12 ngày, sau đó tiến hành thả ra sàn, mỗi ngày cho ăn 4-5 bữa lá dâu. Khoảng 1 tuần sau, tằm sẽ được bắt bỏ né để nhả tơ. Kén tơ được nhập cho các thương lái tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An với mức giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, anh nuôi khoảng 10 lứa tằm trên diện tích sàn 40 m2, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 100-120 triệu đồng/năm. Ngoài sản lượng kén tằm của gia đình, anh còn thu mua kén cho bà con trong xã. Từ đầu năm đến nay, anh đã thu mua được hơn 1,5 tấn kén mang lại doanh thu cho bà con trong thôn gần 270 triệu đồng.
Cũng nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của anh Chính, bà Trần Thị Hiền (thôn Tân Tiến, xã An Dũng) đã mạnh dạn chuyển đổi 7 sào đất vườn trồng hành tăm và kiệu sang trồng dâu. Bà Hiền cho biết, nhờ chịu khó học hỏi, nắm bắt kỹ thuật nhanh, đến nay chị đã nuôi được 6 lứa tằm. Hiện tại lứa tằm thứ 7 đang thu hoạch được gần 70kg kén. Từ nay đến hết năm gia đình bà còn có kế hoạch nuôi 3 lứa nữa và dự kiến năm nay với 10 lứa tằm thu gần 7 tạ kén, tính ra mỗi tháng sẽ có thu nhâp đều đặn từ 10-12 triệu đồng. Đồng thời, tận dụng được phân tằm bón cho dâu và cây trồng khác, tiết kiệm được phần nào chi phí sản xuất.
Theo bà Hiền, muốn nuôi tằm thành công phải chú ý giai đạn tằm non, vì lúc này tằm có sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh nên cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm. Lá dâu cho tằm ăn cũng phải là loại lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm, tránh cho ăn các loại lá bị bệnh, vàng.
Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định
Nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ đã hình thành và phát triển với quy mô nhỏ lẽ từ nhiều năm nay. Hiện nay, giá giống tằm và giá kén tằm được thu mua với giá thành cao, ổn định, người nông dân không cần phải lo lắng về đầu ra nên nghề trồng dâu nuôi tằm đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân, bình quân mỗi ngày, người nuôi tằm thu nhập khoảng 300 đến 400 ngàn đồng. Thấy được sự chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm đem lại thu nhập khá và ổn định. Vì vậy, ngày càng có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm.
Chị Phan Thị Hoa cũng ở thôn Tân Tiến, xã An Dũng chia sẻ, gia đình có 6 sào trồng dâu để nuôi tằm, mỗi đợt nuôi hai lứa theo hình thức gối nhau. Quy trình nuôi tằm không quá phức tạp, tằm được nuôi trên sàn nhà có lót bạt, mỗi ngày cho tằm ăn 4-5 bữa, giai đoạn tằm tuổi 4 lá dâu cần cắt nhỏ nhưng lên tuổi 5 thì tằm có thể ăn cả lá hay cả cành nên nhẹ công chăm sóc, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, phù hợp với lao động nông thôn. Dù mới triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm từ năm ngoái, nhưng với 6 sào trồng dâu để nuôi tằm, mỗi năm 10 lứa, thu nhập đều đặn 10-12 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các loại cây trồng truyền thống như ngô, khoai, sắn,…
Bà Trần Thị Tình -Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã An Dũng huyện Đức Thọ cho biết: Những năm qua, Xã An Dũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đặc biệt, khuyến khích nông dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, toàn xã đã có 20 hộ dân đã chuyển đổi sang trồng dâu được gần 15 ha, trong đó có 10 hộ đã nuôi tằm có thu nhập, tập trung chủ yếu ở thôn Tân Tiến. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các hộ dân liên kết thành lập Tổ hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, từ kỹ thuật canh tác phát triển diện tích trồng dâu nguyên liệu đến chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm kén tằm tạo đầu ra thuận lợi, từ đó từng bước phát triển, nhân rộng mô hình, hướng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại địa phương./.
Nguyễn Hoàn
|