Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn được ngành nông nghiệp đẩy mạnh và để góp phần cụ thể hóa định hướng trên trong thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã nỗ lực không ngừng triển khai các hoạt động cụ thể, thiết thực.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND ngày 15/5/2024 phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 – 2030. Đề án án đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 2.500 ha. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như: mật ong, nhung hươu, thịt các loại. Diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích nuôi tôm, sản phẩm chủ yếu là tôm sú.
Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ, do vậy thời gian qua, được sự định hướng, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, Trung tâm khuyến nông đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn với các nội dung thiết thực, cụ thể: tập trung xây dựng các mô hình theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực nhằm hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại cây, con theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn; xây dựng các phóng sự, bài báo nhằm tuyên truyền các mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tại các địa phương,…
Hội thảo, tổng kết mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn dịch bệnh theo hướng tuần hoàn
Thời gian qua Trung tâm đã xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ “Mô hình Thâm canh vườn cam, bưởi Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ; Mô hình xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn” kết quả đã cấp chứng nhận cho 2ha Bưởi Phúc Trạch tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê; Cam Chanh: 03 ha tại xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (02ha) và xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (01ha); 5ha lúa thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm. Thông qua các mô hình trình diễn đã hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật các biện pháp trong sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tuần hoàn góp phần nâng cao ý thức cho người dân về an toàn trong sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản phẩm, mạnh dạn đổi mới trong tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường, là cơ sở thực tiễn để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái theo hướng bền vững. Qua thực tế đánh giá, các mô hình điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ giá trị kinh tế tăng thêm từ 10-15%, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã giúp giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào (phân bón, thức ăn chăn nuôi) từ 10-30% so với sản xuất thông thường.
Hội thảo mô hình sản xuất lúa hữu cơ
Bênh cạnh xây dựng các mô hình trình diễn, Trung tâm đã thực hiện đồng bộ việc tuyên truyền các thông tin về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn thông qua nhiều hình thức “báo đài, báo viết, trang mạng,...” bằng những chuyên đề “Nông nghiệp hữu cơ hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp sạch, giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều thực phẩm an toàn,...” các bài báo viết tuyên truyền về các mô hình, cách làm để từ đó người dân học tập và làm theo. Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong và ngoài mô hình, đơn vị đã truyền tải đến người sản xuất quy trình kỹ thuật sản xuất các đối tượng cây, con theo hướng hữu cơ, tuần hoàn từ đó giúp người sản xuất nắm rõ quy trình và áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả.
Song sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống không có sự khác biệt nhiều, nhất là về giá bán do quy mô các mô hình còn nhỏ khó cạnh tranh để đi vào các chuỗi cửa hàng lớn; nguyên liệu, vật tư đầu vào để sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ chưa đa dạng; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng; việc thực hiện hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn chưa thực sự là động lực để khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia,...
Tập huấn kinh tế tuần hoàn nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chia sẽ: “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hướng đến nền nông nghiệp xanh đang là xu thế không thể đảo ngược trong lĩnh vực nông nghiệp; đây được coi là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, là định hướng phát triển nông nghiệp trong tương lai khi Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về vai trò, lợi ích lâu dài của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Mở rộng hơn nữa những kết quả đã đạt được. Tổ chức triển khai các nội dung để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn; hỗ trợ gắn phát triển sản phẩm hữu cơ với du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm hữu cơ”.
Thái Thơm |