Mùa đông thời tiết tại các tỉnh phía bắc nói chung và Hà Tĩnh nói riêng, nhiệt độ thường xuống thấp, không ổn định, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ các loài cá nuôi nước ngọt. Nhằm khắc phục những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, người nuôi cá nên thực hiện một số giải pháp quản lý sức khoẻ cá nuôi vào thời điểm chuyển mùa và vụ đông như sau:
Những nguyên nhân có thể dẫn đến cá bị bệnh
- Do chất lượng nước bị thay đổi: Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột từ tháng 12 đến tháng 2 (có thể xuống thấp đến 15 - 20oC) hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 6 (lên đến 30 - 35oC), nhiệt độ ban ngày và ban đêm có sự chênh lệch lớn từ 5 - 10oC làm cho cá sốc bỏ ăn, suy yếu, tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho cá dễ bị bệnh.
- Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng kỹ thuật hoặc nguồn nước cấp bị ô nhiễm hóa chất độc, vi khuẩn, vi rút…
- Sau mỗi đợt nắng nóng xen kẽ là các đợt mưa dẫn đến nhiệt độ nước giảm ngột, pH giảm, tảo chết phân hủy gây thiếu oxy tầng đáy, tạo khí độc H2S, NH3… làm cá nổi đầu, nếu không được xử lý kịp thời dẫn đến cá chết hàng loạt.
- Thức ăn kém chất lượng: Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và làm ô nhiễm nước ao.
- Nguồn giống thả kém chất lượng: Cá có thể đã bị nhiễm bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt khuẩn, khi thả cá xuống nuôi gặp thời tiết thay đổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh.

Người nuôi cần áp dụng các giải pháp chăm sóc đảm bảo cá phát triển tốt trong mùa đông
Phòng bệnh tổng hợp cho cá nuôi trong mùa đông:
+ Trước khi thả cá:
- Cần vệ sinh ao đầm sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi: Dọn sạch cỏ; vét bùn đáy ao (chỉ giữ lại 20 cm); lấp các hang hốc xung quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh (Nếu độ pH dưới 6 thì lượng bóng 80-100 kg/1000m2 ao), tiến hành diệt tạp các loài cá dữ bằng Saponin hoặc Sapotech với liều lương theo hướng dẫn.
- Chọn loài cá nuôi phù hợp: Hiện nay có rất nhiều loại cá nuôi (như mè, trôi, trắm, chép, diêu hồng…). Để chọn được loài cá nuôi thích hợp, cần căn cứ vào điều kiện từng vùng sinh thái khác nhau, nhu cầu của thị trường và khả năng đầu tư của hộ chăn nuôi
- Chất lượng con giống: Cá đưa vào nuôi vụ đông thường chọn cở cá có kích thước lớn, Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, cá đều cỡ, màu sắc tươi sáng, không bị mất nhớt, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, xây xát, nên mua giống ở những đơn vị cung cấp uy tín… Trước khi thả giống cần tắm cá giống qua nước muối 2 - 3% trong 5 - 10 phút để sát khuẩn.
- Nuôi mật độ thả thích hợp: Nên thả đúng mật độ tùy theo từng loài cá: Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (Diêu hồng, mè hoa, trắm cỏ, chép…) thả với mật độ từ 2 - 3 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, rô đồng…) thả với mật độ 5 - 8 con/m2. Thả cá đúng mật độ để cá lớn nhanh lớn đều, ít bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi.
- Nuôi ghép: Trong cùng một ao có thể nuôi ghép các loại cá với nhau để tận dụng không gian mặt nước và các loại thức ăn có trong ao vì mỗi một loại cá sống ở một tầng nước và sử dụng thức ăn khác nhau.
Chăm sóc và quản lý ao nuôi
- Chăm sóc cá nuôi đúng kỹ thuật, cho ăn theo 4 định: Định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho cá khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh. Nếu thức ăn là các loại cám nấu thì nên cho cá ăn vào sàng ăn để dễ quản lý được thức ăn.
- Tranh thủ những ngày nắng ấm nhiệt độ trên 18oC cho cá ăn tích cực đủ về lượng, đảm bảo về chất, bổ sung Vitamin C, các loại thảo dược như tỏi để tăng cường sức đề kháng cho cá, thường xuyên bổ sung nước mới vào ao để tăng cường oxy và không gian sống của cá. Định kỳ 15 ngày/lần dùng vôi bột té đều khắp mặt ao với lượng 2 - 3 kg/100m3 nước.
Trị một số bệnh cho cá nước ngọt thời điểm giao mùa:
Thời điểm giao mùa cá thường mắc một số bệnh chủ yếu điển hình như: Bệnh đốm đỏ lỡ loét, bệnh đường ruột, bệnh nấm thủy my, bệnh trùng mỏ neo…
- Bệnh đốm đỏ lỡ loét: Xuất hiện quanh năm, thường tập trung nhiều vào mùa thu-đông (tháng 8 - 11) khi nhiệt độ nước xuống thấp. Biểu hiện cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ thể, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng có thể chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, thường gặp ở cá trắm cỏ. Tỷ lệ chết từ 30 - 70%.
+ Phòng bệnh: Ngoài việc bổ sung Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn định kỳ: cá giống 4 gam/1kg cá/1 ngày, cá thịt 2 gam/1kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục. Dùng thuốc Tiên Đắc trước một tháng để phòng bệnh trước khi thời tiết chuyển mùa, lượng 50 gam/250kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục.
+ Trị bệnh: Dùng thuốc Tiên đắc 50 gam/50kg cá/1 ngày, cho ăn 5 - 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn từ 30 - 60 phút.
- Bệnh hoại tử gan thận mủ trên cá da trơn: Cá có biểu hiện bơi lờ đờ, màu sắc nhợt nhạt, xuất huyết trên cơ thể; khi phẩu thuật nội tạng quan sát trên gan, thận có lốm đốm trắng, ruột tích nước. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường thấp dưới 18oC
+ Phòng bệnh: Nên áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp như: Chọn giống khỏe mạnh trước khi nuôi để chúng phát triển bình thường. Chuẩn bị ao nuôi kỹ, cần phải vét bùn, phơi khô xử lý ao bằng vôi bột, loại bỏ cá dữ, cá tạp. Đinh kỳ 15 ngày rải vôi với liều lượng 3kg/100m2. Diệt mầm bệnh bằng thuốc tím theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cá và tăng cường Vitamin C, tỏi tươi xay gạn nước trộn vào thức ăn.
+ Trị bệnh: Có thể sử dụng thuốc tím với liều lượng 10g /m3 để tắm cho cá từ 30- 60 phút. Kết hợp bổ sung VitaminC, Glucan với lượng 3g/kg thức ăn/ngày kết hợp tỏi xay gạn lấy nước nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá.
- Bệnh nấm Thủy mi: Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ môi trường nước dưới 20oC.
+ Trị bệnh: Sử dụng Iodine với liều lượng 1 lít/5.000m3 nước ao nuôi
- Bệnh trùng mỏ neo trên cá trắm cỏ, cá chép: Trùng hình mỏ neo ký sinh trên cơ thể làm cá ngứa ngáy, khó chịu, kém ăn, da mất sắc màu bình thường, bơi lờ đờ, phản ứng kém gầy yếu và chết. Bệnh thường xảy ra vào các ao lưu cá giống qua đông.
+ Trị bệnh: Sử dụng lá xoan đâu bó thành từng bó từ 10-15kg/bó/100m2 dìm xuống ao. Sau khi lá xoan rụng hết tiến hành vớt cọng ra khỏi ao. Nếu có thể thì tiến hành thay khoảng 30% nước trong ao nuôi.
Trên đây là một số biện pháp phòng và trị một số bệnh cho cá nuôi nước ngọt trong mùa đông giúp người nuôi cá tham khảo, áp dụng./.
Huy Dũng |