Việc triển khai thành công mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng nuôi cấy mô AH1, AH7 năm 2024 tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ có khả năng nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2024, thực hiện Quyết định số 241/QĐ-SNN ngày 26/4/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt hồ sơ Thuyết minh, dự toán mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô AH1, AH7, Kế hoạch khuyến nông năm 2024 tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp kịp thời với các Phòng, đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kế hoạch và Tài chính, Chi cục Kiểm lâm), Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, UBND xã Thượng Lộc và các hộ dân để triển khai thực hiện mô hình.
Theo đó, mô hình được triển khai tại Khoảnh 6, Tiểu khu 133, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, được trồng thuần loài bằng cây Keo lai nuôi cấy mô dòng AH1, AH7, mật độ trồng 1.600 cây/ha, với tổng kinh phí 369,88 triệu đồng, trong đó, kinh phí nhà nước hỗ trợ 110 triệu đồng (kinh phí trồng rừng gồm cây giống và phân bón; kinh phí triển khai mô hình); kinh phí hộ dân đầu tư nhân công trồng và một phần kinh phí mua giống và phân bón.

Cây sinh trưởng và phát triển nhanh, đồng đều.
Qua nghiệm thu, đánh giá kết quả, đến nay sau hơn 6 tháng triển khai, mô hình đã cho kết quả rõ nét, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống sau trồng đạt 98%, chiều cao cây trung bình đạt từ 2,2 - 2,8m, đường kính gốc trung bình đạt từ 1,4 - 1,8 cm; các hộ trồng rừng đảm bảo mật độ, sử dụng và đối ứng gióng, phân bón theo đúng yêu cầu, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Qua kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá bước đầu cho thấy, mô hình trồng rừng thâm canh giống cây keo lai nuôi cấy mô AH1, AH7 đối chứng với các giống keo giâm cành cùng một thời điểm trồng và điều kiện lập địa cho thấy sự sinh trưởng, phát triển của rừng thâm canh bằng giống keo lai nuôi cấy mô tốt hơn.
Với ưu điểm của các giống keo mới này đó là chống chịu được sâu bệnh hại, năng suất cao, khi đưa vào trồng rừng, cây có bộ rễ cọc nên sự chống chịu tốt hơn với điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là hiện tượng gió bão; quy trình được áp dụng là quy trình trồng rừng bền vững sản xuất gỗ lớn, trong cả quá trình không đốt thực bì, hạn chế cơ giới trong khâu làm đất toàn diện nên sẽ giúp cải tạo môi trường sinh thái, chống xói mòn, rữa trôi (nhất là khu vực tiếp giáp đập Khe Thờ - Trại Tiểu); các giống keo này có thời gian kinh doanh 10 năm trở lên, đất đai sẻ được cải tạo, tầng đất mặt sẻ tốt hơn, đảm bảo ổn định sinh thái, ổn định nguồn nước ngầm, cải tạo được điều kiện khí hậu. Bên cạnh đó, sản phẩm chủ lực là gỗ xẻ nên cho giá trị kinh tế mang lại sẽ cao gấp hơn 2 lần trồng rừng gỗ nhỏ. Đặc biệt, với giống keo lai mô, cây con được hình thành từ việc nuôi cấy mô cho ra những sản phẩm trong điều kiện tốt nhất nên khi đưa ra hiện trường trồng, tỷ lệ sống đạt 100%, không hao hụt trong quá trình trồng rừng và giảm chi phí trồng dặm. Đồng thời cây ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh, rút ngắn chu kỳ kinh doanh khoảng từ 4 - 7 năm cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm; khoảng từ 8 - 12 năm cho gỗ lớn, gỗ xẻ, gỗ dân dụng.

Các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu mô hình.
Từ việc triển khai thành công mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng nuôi cấy mô AH1, AH7 năm 2024 tại xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc sẽ góp phần tích cực thay đổi tư duy và tập quán trồng rừng của người dân từ phương thức quảng canh sang thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trên cùng diện tích; đồng thời cải tạo rừng bền vững, rút ngắn chu kỳ sản xuất, góp phần thực hiện định hướng Cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo, gắn với xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Hà Tĩnh./.
Văn Thắng
|