Hà Tĩnh có trên 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, là một trong những tỉnh có trữ lượng rừng giàu của cả nước. Trong những năm qua các hộ sống ven rừng đã tận dụng những lợi thế và nguồn tài nguyên từ rừng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Nuôi ong lấy mật ở Hà Tĩnh đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều địa phương, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu nhiệt đới gió mùa và diện tích rừng rộng lớn, Hà Tĩnh có môi trường lý tưởng cho việc phát triển chăn nuôi ong. Tính đến cuối năm 2022, tổng số đàn ong toàn tỉnh lên đến 40.410 đàn với sự tham gia của gần 4.000 hộ nuôi ong, đa phần là các hộ nhỏ lẻ. Nhiều hộ đã mở rộng quy mô, nuôi từ 30 đến 100 đàn. Sản lượng mật ong trung bình đạt 8 - 9 lít mỗi đàn mỗi năm, với tổng sản lượng mật toàn tỉnh trong năm 2022 đạt 405 tấn. Nghề nuôi ong tại Hà Tĩnh không chỉ cải thiện thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển bền vững môi trường, bảo vệ rừng và cây trồng.
Nhằm góp phần phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật, khai thác tiềm năng, lợi thế và góp phần thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Trong năm 2023, 2024 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện thành công Dự án "Xây dựng mô hình hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP" tại xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc và xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang.
Việc lựa chọn 2 xã Sơn Lộc và Đức Lĩnh là những xã có diện tích vườn đồi, rừng lớn, nơi đây có nguồn thức ăn tự nhiên lấy từ hoa của cây rừng “hương rừng” để phát triển chăn nuôi ong. Ngoài các loại hoa từ cây trồng tại vườn đồi hộ gia đình thì nguồn thức ăn được lấy từ các loại hoa ở rừng rất lớn, đây là nguồn thức ăn dồi dào để đàn ong phát triển và mang lại năng suất cũng như giá trị sản phẩm cao hơn.
Quá trình triển khai thực hiện dự án các hộ chăn nuôi ong được hỗ trợ ong giống, vật tư thiết yếu như đường, phấn hoa, thùng quay mật, chân tầng, bộ dụng cụ nhân đàn,…và tập huấn về các kỹ thuật chăn nuôi tốt (VietGAHP), quy trình phòng bệnh, chống thiên địch gây hại; cách khai thác, bảo quản mật ong, tạo chúa, nhân đàn,… bên cạnh đó dự án đã hỗ trợ các địa phương và hộ dân thành lập HTX và hoàn thiện các hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP từ việc kiểm soát chất lượng mật ong đến thiết kế bao bì, quảng bá thương hiệu.

Ông Nguyễn Huy Tuấn - Xã Đức Lĩnh, thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn ong
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Huy Tuấn - Xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang: "Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, gia đình tôi và các hộ tham gia ngoài được hỗ trợ nguồn ong mật giống chất lượng và các thiết bị phục vụ chăn nuôi ong thì còn được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn trực tiếp ngay tại vườn bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Do đó, chúng tôi đã nắm vững kỹ thuật và cách quản lý đàn ong tốt hơn, giảm được rủi ro trong dịch bệnh, tránh được hiện tượng bốc bay đàn và sức khoẻ đàn ong luôn đảm bảo, ông bay đi bay về như mở hội.”.
Qua 2 năm thực hiện, đến nay tại 2 HTX đã có được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 cho sản phẩm mật ong với thương hiệu mật ong Đại Phúc của Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh và thương hiệu mật ong Tâm An của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An, góp phần vào thực hiện thành sản phẩm OCOP tỉnh nhà. Luỹ kế tính đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đánh giá, công nhận 354 sản phẩm, trong đó 254 sản phẩm có hiệu lực chứng nhận OCOP, gồm 14 sản phẩm 4 sao và 240 sản phẩm 3 sao.

Sản phẩm mật ong Đại Phúc của Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh đạt sản phẩm OCOP 3 sao
“Sản phẩm mật ong được đóng chai, có nhãn mác để nhận diện thương hiệu, là sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán được nâng cao và ổn định (220.000 - 250.000đ/lít). Thu nhập của các hộ dân đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm”. Ông Nguyễn Minh Hà - Xã Đức Lĩnh phấn khởi chia sẽ.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: "Đức Lĩnh là xã có diện tích vườn đồi, vườn rừng lớn, nên các loại hoa nở quanh năm và đây là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển nghề chăn nuôi ong. Tận dụng lợi thế đó, từ xưa đến nay các hộ đã đưa các đàn ong về nuôi nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa tạo được thương hiệu nên giá trị mật ong còn thấp. Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thời gian qua chính quyền địa phương cùng với các hộ dân đã nỗ lực hết mình để triển khai thực hiện dự án và đến nay các hộ đã nắm vững kiến thức trong chăn nuôi ong để phát triển mở rộng đàn ong. Bên cạnh đó, việc xây dựng HTX và đưa sản phẩm mật ong đạt chuẩn OCOP 3 sao đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho nghề nuôi ong lấy mật tại địa phương. Đây là cơ hội để sản phẩm mật ong của địa phương khẳng định được thương hiệu, có cơ hội tiếp cận được thị trường lớn hơn cũng như tạo được nguồn thu nhập ngày càng cao cho các hộ gia đình".
Thái Thơm |