Tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nơi vùng đất đồi Khe Xai từng khô cằn và hoang hóa, giờ đây đã hình thành những trang trại trồng trọt, chăn nuôi trù phú, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phải kể đến mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Dương Công Lưu, một lão nông đã dành gần 20 năm khai hoang phục hóa vùng đất sỏi đá, phát triển sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ Thành phố Hà Tĩnh đi theo đường Vũ Quang khoảng 10km đến địa bàn xã Thạch Xuân, chúng tôi mới đến được trang trại của lão nông Dương Công Lưu nằm cạnh hồ Khe Xai. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi được gặp ông đó dáng người cao lớn, chắc chắn với nước da ngăm ngăm bánh mật, ông nở nụ cười tươi với đôi mắt sáng mời đón chúng tôi.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cam, đồi chè, ông Lưu kể, cách đây mấy chục năm về trước, vùng Khe Xai là một khu đất đồi rộng lớn nhưng cằn cỗi, đất bạc màu, chủ yếu là sỏi đá và cỏ dại mọc thưa thớt, ở đây không một bóng người. Hồi đó, ông theo gia đình từ xã Thạch Đồng (huyện Thạch Hà) nay là phường Đồng Môn (Thành phố Hà Tĩnh) đến vùng tái định cư Khe Xai thuộc xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) theo quyết định di dời dân cư để giảm áp lực về dân số khi quy hoạch thành phố Hà Tĩnh và phát triển kinh tế vùng đồi núi. Lúc ấy, gia đình ông được cấp gần 1ha đất ở và đất sản xuất, đủ để xây dựng nhà cửa và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, để lập nghiệp được ở vùng đất này không phải là dễ. Chứng kiến cảnh cha mẹ lam lũ nuôi con ăn học từ mảnh đất này không hề dễ dàng gì. Vì thế, đến khi ông lập gia đình, tài sản lúc bấy giờ cũng chỉ có vùng đất cằn cỗi nên cuộc sống khó khăn đủ bề. Trải qua những tháng ngày bươn chải mưu sinh nhiều nghề nhưng cuối cùng ông đã quyết định tìm tòi học hỏi để gây dựng cơ nghiệp bằng chính nghề nông. Cũng bắt đầu từ thời điểm đó, ông đã quyết định khai hoang phục hóa vùng đồi Khe Xai này.

Trang trại cây trái của ông Dương Công Lưu bên hồ Khe Xai
Với đôi bàn tay chai sạn và ý chí sắt đá, ông Dương Công Lưu, khi đó đã qua tuổi 45 quyết định nhận hơn 3 ha đất đồi bỏ hoang để cải tạo. “Ban đầu, đất khô cằn lắm, cuốc lên toàn sỏi đá. Hồi đó, ai cũng bảo tôi ‘dại’ vì đi nhận vùng đất khô khốc, trồng cây gì cũng không sống nổi. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần có ý chí và biết cách làm, đất nào cũng có thể hồi sinh”. ông Lưu nhớ lại.
Những ngày đầu khai hoang, ông phải tự tay cuốc đất, vận chuyển từng bao phân chuồng từ đồng bằng lên đồi để cải tạo đất. Vợ con ông cũng đồng hành, vừa giúp chồng, vừa động viên ông vượt qua khó khăn.
Đất đồi Khe Xai khô hạn, thiếu nước nên ông phải xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe suối về để phục vụ tưới tiêu. Để cải thiện đất, ông bắt đầu bằng việc trồng các loại cây phủ xanh như keo tràm và sắn. Những cây này không chỉ giúp giữ đất, chống xói mòn mà còn tạo độ ẩm cho đất. Sau hơn 5 năm kiên trì, đất đồi Khe Xai bắt đầu “hồi sinh” khi đất đã cải tạo trở nên tơi xốp, màu mỡ hơn, đủ điều kiện để trồng các loại cây ăn quả và phát triển chăn nuôi.
Để đảm bảo có thu nhập thường xuyên và dễ xoay vòng vốn, ông Lưu không chỉ tập trung vào một loại cây trồng hay vật nuôi mà phát triển trang trại theo mô hình tổng hợp, tận dụng tối đa tiềm năng đất đai. Ngoài gần 5 ha keo tràm, nhận thấy cam chanh là cây ăn quả có múi mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đồi nên ông Lưu đã mua giống về trồng, sau đó, ông còn trồng thêm bưởi da xanh, ổi và chè. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu mua đào chưng mỗi dịp tết đến xuân về ngày càng nhiều, ông đã tìm hiểu và cải tạo đất đồi để trồng thêm đào cảnh.
Đến nay, ông Lưu đang sở hữu hơn 300 gốc cam, mỗi năm cho thu hoạch trên 8 tấn quả, hơn 200 gốc đào, 5ha trồng keo tràm, bên cạnh đó ông còn chăn nuôi 5-7 con bò, 20 con lợn rừng và hàng trăm con gà thả đồi,…đem lại thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.

Ông Dương Công Lưu bên đồi cam trĩu quả
Là người ham học hỏi, dù ở tuổi ngoài 60 nhưng ông Lưu không ngừng tìm hiểu học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật thay đổi cách làm để ngày một hiệu quả hơn. Hiện tại, ông Lưu đang áp dụng cách làm nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. Theo đó, toàn bộ phân chuồng từ bò, lợn, gà, được ông ủ hoai mục để bón cho cây. Ông còn học cách tự làm các chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt để phun phòng trừ sâu bệnh trên cây cam, rau ăn lá. Đến kỳ ra quả, toàn bộ quả trên cây đều được ông Lưu dùng túi bọc và treo những bẩy bả sinh học hạn chế côn trùng chích hút hay sâu phá hoại,.. Cũng chính sự cần mẫn đó mà vùng “đất cằn” ngày nào giờ đã trở nên giàu dinh dưỡng và cho “quả ngọt” như hôm nay. Ngoài ra, những đồi cây ăn quả, chè, keo tràm,… còn giúp cải thiện môi trường sinh thái, giảm thiểu xói mòn đất và bảo vệ nguồn nước tự nhiên nơi đây.
Thời gian tới, ông Lưu không chỉ phát triển trồng cam theo hướng hữu cơ mà còn đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn rừng, gà đồi hướng đến tạo sản phẩm đặc sản cung cấp đến người tiêu dùng. “Hiện nay, những sản phẩm đặc sản rất được nhiều người ưa chuộng, nhất là mỗi dịp Tết, thịt lợn rừng, gà đồi được khách hàng đặt mua trước cả tháng. Chính vì vậy, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi các con đặc sản trong những năm tới .”. Ông Lưu chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch Hội nông dân xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) cho biết: Phát triển kinh tế trang trại tổng hợp tại vùng Khe Xai, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà là hướng đi chiến lược được xã triển khai trong những năm qua nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương. Trong đó, nông dân Dương Công Lưu là người tiên phong phát triển kinh tế tại vùng đất khó này. Từ một vùng đất cằn sỏi đá, ông Dương Công Lưu đã gây dựng thành trang trại phát triển kinh tế với đa dạng cây con, mang lại giá trị kinh tế cao. Tinh thần vượt khó, sáng tạo của ông là tấm gương sáng cho bà con nông dân trong vùng.
Không chỉ là gương nông dân làm kinh tế giỏi mà ông Dương Công Lưu còn tích cực tham gia mọi hoạt động phong trào và hỗ trợ nông dân tại địa phương cùng nhau phát triển kinh tế, ông luôn được bà con nhân dân và chính quyền địa phương tin yêu, kính trọng. Dù tuổi ngoài 60 nhưng hiện ông vẫn được tín nhiệm bầu làm bí thư kiêm thôn trưởng liên tục trong nhiều năm./.
Hoàng Thanh |