Thực hiện Chương trình IUC-QNU Giai đoạn 1, do tổ chức VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) tài trợ, với mong muốn thiết lập PGS Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận, Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức Đoàn công tác tham quan, học tập kinh nghiệm thực tiễn từ chứng nhận hữu cơ PGS Hà Tĩnh trong thời gian 2 ngày từ ngày 5-6/3/2025.
Trong khuôn khổ của chương trình, Đoàn công tác của Trường Đại học Quy Nhơn và Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã có những trao đổi, chia sẽ về quá trình triển khai thực hiện mô hình PGS tại Hà Tĩnh và đi thăm quan thực tế mô hình chứng nhận hữu cơ PGS (Participatory Guarantee System) do trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai tại Thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc và Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê.
Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng mô hình PGS tại Hà Tĩnh.
Chia sẻ những kết quả, đặc điểm tình hình về công tác khuyến nông Hà Tĩnh nói chung và kinh nghiệm xây dựng thực hiện mô hình PGS nói riêng trong thời gian qua tại các địa phương, đồng chí Nguyễn Hữu Ngọc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã trao đổi quá trình triển khai thực hiện từ bước chọn hộ đến kết quả đạt được của mô hình, qua đó đã trình bày kết quả thực hiện gồm: Xây dựng 16 video về các biện pháp kỹ thuật trên cây Bưởi Phúc Trạch và Cam Hà Tĩnh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS; 01 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác Bưởi Phúc Trạch và Cam Hà Tĩnh theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS; 35 cán bộ khuyến nông và nông dân tham gia tập huấn về tiêu chuẩn hữu cơ PGS; 113 nông dân tham gia tập huấn về kỹ thuật canh tác cây có múi theo tiêu chuẩn hữu cơ; 35 người dân địa phương và cán bộ khuyến nông tham gia tập huấn và huấn luyện về digital marketing, thương mại điện tử; Sau khóa huấn luyện, một số nông dân đã bán sản phẩm bưởi PGS trên sàn thương mại điện tử Shoppee; 112 nông dân tham gia tập huấn về sử dụng công cụ số (nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc, tạo mã QR) trong sản xuất; 20,4ha bưởi của 48 nông hộ được nhận chứng nhận chuyển đổi hữu cơ PGS; thành lập 4 nhóm và 1 liên nhóm GPS tại cơ sở và Chi hội Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh, có trụ sở và sử dụng con dấu của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh. Đây là những kết quả ngoài mong đợi khi triển khai thực hiện và cũng là kết quả mà Trường Đại học Quy Nhơn mong muốn được chia sẽ, tiếp cận.
Sau khi được chia sẽ kinh nghiệm, những kết quả trong quá trình thực hiện mô hình PGS cũng như các chương trình, mô hình mà khuyến nông Hà Tĩnh đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trương Thị Thanh Phượng - Giảng viên Khoa Kinh tế và Kế toán, Chủ nhiệm Dự án 5 phía QNU, Trưởng đoàn công tác nhấn mạnh: “Những cách làm hiệu quả trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông nói chung, đặc biệt là các mô hình tổng quát và mới như mô hình PGS cần sự vào cuộc của chính quyền, người dân trong quá trình triển khai thực sẽ là kinh nghiệm thực tiễn hiệu quả để Trường Đại học Quy Nhơn học tập, áp dụng trong thời gian tới khi triển khai mô hình PGS tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”.
Thăm quan mô hình thí điểm chuyển đổi số trong liên kết thị trường cho sản phẩm cây ăn quả có múi theo hướng chuỗi giá trị nông sản bền vững tại Thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc
Ngoài những chia sẽ kinh nghiệm triển khai các hoạt động khuyến nông, quá trình thực hiện mô hình PGS, Trung tâm Khuyến nông đã đồng hành, kết nối cùng Đoàn công tác đi tham quan thực tế, trao đổi những nội dung cụ thể với người dân, chính quyền địa phương tại các địa điểm đã triển khai thực hiện mô hình PGS (Thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc và Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê).
Những chia sẽ và thực tế tại các điểm tham quan đã được Đoàn công tác của Trường Đại học Quy Nhơn đánh giá cao, qua tìm hiểu ý kiến từ các thành viên Đoàn công tác, chuyến tham quan có ý nghĩa rất thiết thực trong việc áp dụng để triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới, góp phần nhân rộng ra các địa phương trong toàn quốc./.
Thái Thơm |