Bên cạnh lựa chọn các giống chè đem lại năng suất, chất lượng cao thì việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ là rất cần thiết và tất yếu, mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai.
Cả nước hiện có hơn 120 nghìn ha diện tích trồng chè. Khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; ngoài ra cây chè còn phát triển ở một số vùng như Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong đó, các giống chè không chỉ đóng vai trò là nền tảng sản xuất, mà còn là yếu tố then chốt quyết định đến năng suất, chất lượng, và giá trị của các sản phẩm chè.
Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã nghiên cứu, phát triển các giống chè mới, đáp ứng nhu cầu của người trồng chè về cây giống.
Là cơ quan nghiên cứu, phát triển giống chè mới duy nhất trên cả nước, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè thuộc Viện Khoa học kĩ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc ((NOMAFSI) đã nghiên cứu, phát triển các giống chè mới, đáp ứng nhu cầu của người trồng chè về cây giống. Theo đó, các giống chè đến năm 2024: 31 giống chè trong đó: Nhóm giống cho sản xuất chè xanh: LDP1, Phúc Vân Tiên, PH8, PH10, LCT1, VN15, PH21, Bát Tiên, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên, Thúy Ngọc; Nhóm giống cho sản xuất chè đen: PH1, LDP2, PH11, PH12, PH14, PH8, TC4, PH276, PH22; Nhóm giống sản xuất chè Ô long: Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Hương Bắc Sơn, PH10; Nhóm giống sản xuất chè xanh cao cấp (Bích Loa Xuân, Mao Tiêm, Xanh thơm): Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, VN15. Những giống chè này không chỉ phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên của Việt Nam, mà còn đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe. Về cơ cấu giống theo loại sản phẩm: khoảng 23% giống chè của Việt Nam hiện nay chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, 50% diện tích chè phù hợp cho cả chế biến chè xanh và chè đen, 27% diện tích chè thích hợp cho chế biến chè xanh và chè chất lượng cao khác.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Để tiếp tục nâng cao chất lượng thành phẩm từ chè, đồng thời nâng cao sản lượng chè, hạn chế sâu bệnh gây hại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, thời gian tới, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc sẽ chú trọng phát triển các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với thổ nhưỡng đất của nhiều vùng sản xuất.
Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc
Tại tỉnh Hà Tĩnh, chè là một trong những cây trồng chủ lực. Chè công nghiệp Hà Tĩnh đã được trồng cách đây 50 năm, đến năm 2012, theo Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, cây chè công nghiệp được xác định là cây trồng chủ lực, tập trung tại 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Tính đến năm 2024, diện tích chè toàn tỉnh đạt 1.213ha, trong đó diện tích kinh doanh trên 1.132 ha; năng suất chè bình quân đạt gần 123 tạ/ha; sản lượng đạt gần 14.000 tấn, các giống chè chủ yếu được trồng là giống PH1, LDP1, LDP2. Năm 2017, toàn bộ diện tích chè của Hà Tĩnh được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất chè công nghiệp ở Hà Tĩnh đã hình thành được chuỗi giá trị giữa Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, Tổng đội TNXP - XDXTM với các hộ dân theo mô hình khép kín từ khâu cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Những năm qua, chè là một trong những cây trồng giải quyết việc làm cho lực lượng lớn và đem lại thu nhập khá cho người dân. Với mỗi ha chè, nông dân có thể thu về bình quân 70 triệu đồng/năm; nhưng nếu được đầu tư thỏa đáng, chăm sóc tốt thì có hộ có thể đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ góp phần cải thiện chất lượng kinh tế, bộ mặt kinh tế nông thôn, cây chè còn giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo phương pháp canh tác truyền thống phổ biến hiện nay, trước mỗi lứa thu hoạch, nhằm đảm bảo năng suất và hạn chế sâu bệnh phá hoại, cây chè thường được phun hoặc bón rất nhiều các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh hóa học các loại. Nhiều nông dân nhẩm tính sơ bộ rằng, hàng năm mỗi nương chè phải “gánh” hàng chục lượt phun thuốc trừ sâu, bón phân. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn và lâu dài đến sức khỏe của chính những nông dân canh tác chè, người tiêu dùng và các hệ sinh thái lân cận như môi trường đất, nước, các loài sinh vật.
Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc
Nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để khai thác thị trường bán lẻ trong nước và vươn ra các nước có giá trị cao hơn. Từ đó, gia tăng giá trị và thu nhập từ sản xuất chè cho bà con nông dân mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai, bên cạnh lựa chọn các giống chè đem lại năng suất, chất lượng cao thì việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ là rất cần thiết và tất yếu.
Từ năm 01/2025 - 10/2026, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với NOMAFSI thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh” với quy mô 15ha tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn. Dự án với mục tiêu cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cho sản phẩm chè búp tươi với năng suất đạt 15-20 tấn/ha chè búp tươi; hiệu quả kinh tế tăng >15% đồng thời xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè, nhãn hiệu chè hữu cơ phù hợp với điều kiện tại Hà Tĩnh.
Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ mở ra hướng đi mới cho phát triển cây chè trong tương lai
Để thực hiện dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện điều tra, khảo sát lựa chọn hộ dân tham gia Dự án được thực hiện tại 4 xã gồm xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh; xã Hương Trà, huyện Hương Khê; xã Sơn Kim 2 và xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Tổ chức tham quan học tập mô hình sản xuất chè hữu cơ tại các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên cho các hộ dân tham gia dự án. Đồng thời xây dựng mô hình chuyển đổi ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dự án thành công sẽ xây dựng được mô hình và tài liệu hướng dẫn sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện tại Hà Tĩnh. Từ đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp liên quan tổ chức tuyên truyền về kết quả dự án, đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển giao quy trình kỹ thuật, phương pháp tổ chức sản xuất, từng bước nhân rộng tại các vùng sản xuất chè công nghiệp của tỉnh, như các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh.
Theo bà Phùng Lệ Quyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Hà Tĩnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây chè, tuy nhiên điều kiện khí hậu khắc nghiệt cùng với việc các giống chè còn ít, chủ yếu sử dụng các giống chè cũ như PH1, LDP2…là các giống chè có chất lượng trung bình khá đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng chè.
Cũng theo bà Quyên, Hà Tĩnh cần đa dạng hóa các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: PH8, PH9, LCT1, TRI5.0 PH22, Hương Bắc Sơn…
Thực hiện Dự án, NOMAFSI đã chuyển giao quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, trực tiếp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ dân, phối hợp, hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đồng thời phối hợp, hỗ trợ xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại Hà Tĩnh.
Ánh Nguyệt
|