Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh xuống giống 6.029 ha lạc xuân, với cơ cấu các giống L14, V79 và L29 và các giống lạc địa phương như lạc cúc, lạc sen, lạc mỡ… Thời điểm này, độ ẩm không khí cao là điều kiện sâu bệnh phát sinh và gây hại lạc xuân. Để đảm bảo năng suất, chất lượng lạc cuối vụ, thời điểm này nông dân Hà Tĩnh đang bám đồng để kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại và có biện pháp phòng trừ.
Đây là giai đoạn phần lớn diện tích lạc đang phát triển mạnh về thân và lá, là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất nên bà con nông dân đang tập trung ra đồng chăm sóc cây, hướng tới một vụ sản xuất đạt năng suất và sản lượng cao vào cuối vụ. Tuy nhiên, giai đoạn này, thời tiết đang chuyển sang hình thái ấm, ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lạc. Trên nhiều diện tích lạc xuân bắt đầu xuất hiện bệnh đốm nâu, đốm đen, rỉ sắt, héo xanh, sâu ăn lá,… Vì vậy, các hộ dân tại các địa phương thường xuyên thăm đồng, chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại giai đoạn đầu. Trong đó, được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn các cấp và của địa phương đã tập trung phun phòng các loại thuốc đặc hiệu trên các diện tích nhiễm và phòng trừ cả những diện tích chưa bị nhiễm. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này người dân cũng tích cực làm cỏ, vun xới đất, bón thúc theo lộ trình để giúp cây khoẻ, tăng sức đề kháng và phát triển ổn định, xanh tốt hơn.
Bà con nông dân đang tích cực chăm sóc lạc vụ xuân
Tại vùng sản xuất cây màu tập trung thuộc vùng bãi ngang xã Thạch Văn (TP Hà Tĩnh), nông dân đang tích cực bám đồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lạc xuân. Bà Trần Thị Vân (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) chia sẻ: “Vụ lạc xuân năm nay gia đình tôi trồng 3 sào, ngay từ đầu vụ gia đình đã đầu tư trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Hiện nay, cây lạc của gia đình và các hộ trên địa bàn thôn đang phát triển tốt cả về thân, lá. Thời tiết từ ra tết đến nay không được thuận lợi và đợt này độ ẩm không khí cao nên tôi đang lo có nhiều đối tượng phát sinh gây hại cho cây lạc. Do đó, được sự khuyến cáo của cán bộ và chính quyền địa phương nên gia đình tôi và bà con trong thôn tranh thủ những lúc tạnh ráo đang tập trung ra đồng xới xáo, làm cỏ và bón thúc để cây lạc bước vào giai đoạn ra hoa và đâm tia để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất đảm bảo".
Với kinh nghiệm đã có nhiều năm sản xuất lạc, ông Phan Viết Cường (thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn) cho biết: “Theo kinh nghiệm, thời tiết có độ ẩm không khí cao, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh phát triển, dễ lây lan trên diện rộng. Qua kiểm tra, theo dõi tôi thấy trên ruộng đã bắt đầu xuất hiện bệnh lỡ cổ rể, tôi đã tiến hành phun phòng ngay. Nhưng với thời tiết mưa, ẩm như hiện nay thì chúng tôi đang cần phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng gây hại và có biện pháp phun phòng, trừ kịp thời nhằm giúp cây lạc phát triển tốt hơn”.
Thời tiết sương mù, độ ẩm cao, tạo thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên lạc xuân.
Được biết Vụ xuân 2025, toàn xã Thạch Văn sản xuất 138 ha lạc, để đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và giảm thiệt hại do các đối tượng sâu, bệnh gây ra khi điều kiện thời tiết không đảm bảo. Chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn người dân trong việc phòng trừ nhất là việc sử dụng thuốc theo 4 đúng “đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc và đúng phương pháp”. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, thông tin về tình hình thời tiết để người dân biết và chủ động thực hiện có hiệu quả.
Ông Dương Đình Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng thông tin: “Sau khi sát nhập một số xã ở vùng biển ngang về Thành phố Hà Tĩnh thì diện tích sản xuất vụ xuân của Thành phố được tăng cao nhất là diện tích sản xuất lạc xuân. Trong thời gian qua, thời tiết không thuận lợi, nên có nhiều đối tượng sâu, bệnh xuất hiện gây hại trên các đối tượng cây trồng nhất là diện tích lạc xuân. Đối với lạc xuân thì đây là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất nên đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân trong công tác phòng trừ cũng như chăm sóc làm cỏ, bón phân để theo dõi các ruộng lạc và có biện pháp phòng trừ kịp thời, giúp cây lạc ra hoa, đậu quả tốt”. Đồng thời, đã phối hợp UBND các xã, các ngành chuyên môn ban hành các văn bản hướng dẫn người dân chủ động thực hiện một số nội dung nhằm kiểm soát bệnh, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Với tình hình thời tiết mưa, ẩm kéo dài gây bất lợi đến với cây trồng nhất là với cây lạc, bà con cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết (nhất là thời tiết nông vụ Hà Tĩnh), thăm đồng, phát hiện kịp thời các đối tượng gây hại trên cây lạc để có biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao về cuối vụ./.
Thái Thơm |