Những năm qua với muôn vàn khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp, cùng sự nổ lực của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở công tác khuyến nông đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện trước một bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đó tập trung phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực theo hướng tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi giá trị. Từ đó, hệ thống Khuyến nông có bước chuyển mình từ khuyến nông xóa đói giảm nghèo sang khuyến nông phát triển sản xuất hàng hóa và đã giành được nhiều kết quả thắng lợi.
Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng cả 4 hình thức: Báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử đã có hiệu quả tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là Chương trình Truyền hình Nông nghiệp nông thôn đã trở thành công cụ truyền thông không thể thiếu được nhằm cung cấp kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản bằng hình ảnh rõ nét, bài viết kỹ thuật cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng đã trở thành cẩm nang cần thiết cho bà con nông dân. Bên cạnh đó từ năm 2015 công tác thông tin tuyên truyền đã xây dựng và phát sóng hàng tuần chương trình thời tiết nông vụ nhằm giúp bà con nông dân nắm vững tình hình thời tiết, dịch bệnh, sâu hại để chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Công tác đào tạo, huấn luyện có sự cải tiến, đổi mới về cả hình thức, nội dung và phương pháp. Hàng năm Trung tâm đã tổ chức từ 15 - 20 lớp huấn luyện, đào tạo nghề cho lao động nông thôn về các lĩnh vực thâm canh cây ăn quả có múi, rau củ quả, chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi tôm thâm canh trên cát,… Chương trình tập huấn đào tạo cho nông dân đã gắn kết giữa lý thuyết với hiện trường tại các mô hình sản xuất, thông qua thực hành trên đồng ruộng (cầm tay chỉ việc), theo tiến độ sản xuất, thời lượng thực hành chiếm tỷ lệ hơn 50% thời gian học. Nhất là, thời gian qua đã tổ chức thành công các lớp đào tạo nghề thâm canh cây ăn quả có múi cho nông dân theo hình thức FFS (hướng dẫn kỹ thuật thâm canh tại hiện trường theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng) được người dân hưởng ứng rất cao. Chính vì vậy, đã nâng cao rõ rệt hiệu quả các lớp học, nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua mô hình trình diễn là nội dung được TTKN đặc biệt quan tâm và chủ trì triển khai có hiệu quả, phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, nhiều mô hình nổi bật được nhân rộng như: Thâm canh vườn cam, bưởi theo hướng VietGAP; du nhập các giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng; cộng đồng làng xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh; lai tạo đàn bò thịt ¾ máu ngoại; nuôi gà thả vườn, đồi an toàn sinh học; nuôi tôm trong ao lót bạt; nuôi tôm trên cát theo hướng VietGAP; nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế bằng lồng, bè trên sông, hồ chứa… Xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển bền vững: chuỗi lúa, lợn, chè.
Lãnh đạo kiểm tra mô hình Khuyến nông
Bên cạnh đó Trung tâm Khuyến nông đã từng bước thực hiện công tác tư vấn, dịch vụ khuyến nông đến với doanh nghiệp và người sản xuất về sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, thủy sản và các quy trình sản xuất, phòng trừ dịch hại tiên tiến; tham gia dịch vụ đào tạo kỹ thuật sản xuất thâm canh cây ăn quả có múi gắn với thực hành trên các vườn cây tại các huyện Can Lộc, Hương Khê, Vũ Quang.
Ngoài ra TTKN còn tham gia tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ khác của ngành như: Công tác xây dựng các cơ chế chính sách ngành; Tích cực tham gia các Dự án quốc tế; chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới,... để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và sản xuất của bà con nông dân.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, năm 2017 TTKN đã tiến hành xây dựng và đi vào triển khai các hoạt động ngay từ đầu năm và tiếp tục hoàn thiện phê duyệt đề án “Công tác Khuyến nông Hà Tĩnh từ năm 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Với hướng phát triển tập trung vào các nội dung lớn như: Sản xuất các sản phẩm hàng hóa chủ lực có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao (như cam, bưởi Phúc Trạch, bò chất lượng cao, …); Phát triển sản xuất theo vùng: vùng ven biển phát triển nuôi tôm, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, rau củ quả công nghệ cao trên cát; vùng đồi rừng phát triển chăn nuôi lợn, bò, hươu, trồng cây ăn quả có múi, cây nguyên liệu gỗ rừng trồng; vùng đồng bằng phát triển cây lúa, lạc, cây thức ăn chăn nuôi…; Tập trung ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến có khả năng bứt phá và khả năng lan tỏa mạnh, gồm: tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Xác định thị trường là động lực của sản xuất, sản xuất phải gắn chặt thị trường, tổ chức lại sản xuất theo phương châm “doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết hóa sản xuất, xã hội hóa đầu tư và quốc tế hóa công nghệ”; Chuyển mạnh từ khuyến nông xóa đói, giảm nghèo sang khuyến nông hàng hóa theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh xúc tiến thương mại (hội chợ, hội thảo…), quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh,... Cùng với nhiều thách thức lớn, Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục vươn lên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp sức chung lòng cùng toàn ngành và bà con nông dân xây dựng sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà./.
Thái Thom |