Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam mỗi năm có khoảng 60 ha trồng lúa giống trong tổng số 500 ha canh tác của địa phương. Hơn 5 năm qua, đây là vùng sản xuất giống truyền thống của Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và nhiều đơn vị khác. Đầu ra sản phẩm tương đối ổn định khi được doanh nghiệp bao tiêu với giá trị cao hơn lúa thường từ 10-15% nên khi tham gia sản xuất lúa giống, nông dân không chỉ có lợi về mặt kinh tế mà còn được sử dụng lúa giống gốc chất lượng tốt để sản xuất ra giống có khả năng sinh trưởng tốt, kháng sâu bệnh cao. Nhiều nông dân cũng có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trên đồng ruộng sau khi được các cán bộ của doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn.
Ông Võ Viết Sáu, ở Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, người đã có 5 năm trồng lúa giống cho Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh. Theo ông Sáu, sản xuất lúa lai theo mô hình của Công ty cho thu nhập ổn định, năng suất cao hơn so với gieo cấy thông thường. Công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con với mức giá ổn định, cao hơn giá bên ngoài.
Từ năm 2013, Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh đã ký hợp đồng hợp tác sản xuất lúa giống với HTX nông nghiệp 1 Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ban đầu bà con nông dân trong HTX ký hợp đồng sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 5 ha, đến nay, trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương đã có gần 30 ha quy hoạch thành sáu vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa giống (chủ yếu là giống nếp 98 và Xuân mai 12). Vụ xuân năm 2017, Công ty tiếp tục ký hợp đồng sản xuất, trước khi thu hoạch công ty đã tiến hành đánh giá để thu mua cho người dân theo kế hoạch đã ký kết. Kết quả liên kết sản xuất lúa giống đã đạt các mục tiêu đề ra về quy mô, năng suất và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt phù hợp với chủ trương, định hướng của các địa phương về tăng cường đưa nhanh các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao nhằm né tránh thiên tai khắc nghiệt, nâng cao giá trị sản phẩm và chất lượng lúa gạo.
Các giống lúa đưa vào sản xuất lúa giống xác nhận phù hợp với định hướng sản xuất và cơ cấu bộ giống lúa của địa phương. Ngoài ra sự liên kết sản xuất lúa giống còn giúp nông dân nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, nhất là tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Tuy nhiên để chất lượng lúa giống thật sự đảm bảo không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, trong quá trình thu hoạch, phơi sấy và bảo quản, người nông dân cần chú ý tới việc hạn chế lẫn tạp, đảm bảo độ thuần của lúa giống. Để có được chất lượng lúa giống Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh đã đưa cán bộ kỹ thuật của công ty tăng cường xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất khắt khe từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch và cam kết chặt chẽ hơn với nông dân trong khâu khử lẫn. Để có lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cao, các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có thể tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất giống chuyên canh với quy mô hàng hóa chất lượng cao.
Công ty cổ phần giống cây trồng Hà Tĩnh, nơi có thế mạnh trong sản xuất các loại giống lúa phù hợp với biến đổi khí hậu, có khả năng chịu tác động ngoại cảnh tốt. Ngoài việc sản xuất giống tại địa bàn Hà Tĩnh, Công ty còn mở rộng sản xuất ở các tỉnh phía nam với hình thức hợp đồng sản xuất giống, công ty cung cấp giống, người dân gieo cấy, chăm sóc, sản phẩm sau thu hoạch sẽ được công ty thu mua. Bà Võ Thị Hồng Minh Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh cho biết:’Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất hai vụ, cung cấp ra thị trường khoảng 500 tấn lúa giống, góp phần giúp Hà Tĩnh chủ động được một phần giống lúa phục vụ cho sản xuất.” Còn đối với doanh nghiệp, sản xuất lúa giống trong dân cũng giúp các công ty chủ động được nguồn nguyên liệu. Với nhu cầu lớn như vậy, hàng năm công ty liên kết với các HTX, hộ gia đình trong và ngoài tỉnh để sản xuất từ 100-150ha giống nguyên chủng và giống xác nhận để cung cấp cho khách hàng Hà Tĩnh và khu vực lân cận.
Có thể thấy liên kết sản xuất lúa giống đã giúp nông dân nâng cao kỹ năng sản xuất hạt giống, đặc biệt là tạo sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Qua tìm hiểu được biết, việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm được các bên thông nhất sau khi thu hoạch, các đơn vị tổ chức thu mua theo giá đã thỏa thuận từ đầu vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của hộ nông dân và doanh nghiệp chế biến giống.
Xuân Hồng |