Trải qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Khuyến nông luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp, cùng sự nổ lực của hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thực hiện một bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
1. Công tác tổ chức bộ máy
Mạng lưới khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, kiện toàn khá đồng bộ, nên các hoạt động khuyến nông có sự phối hợp và đạt hiệu quả khá tốt. Thực hiện Nghị định số 02/2010/NĐ-CP về công tác Khuyến nông; Quyết định số 2048/QĐ- UBND của UBND tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến nông; theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, là đầu mối hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống khuyến nông và triển khai thực hiện các dự án, chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh. Lực lượng khuyến nông trong toàn tỉnh khá đông đảo, gồm 563 người, đại đa số có trình độ chuyên môn và kỹ năng khuyến nông khá tốt, đã phát huy tốt hiệu quả trong công việc; được phân cấp như sau: - Cấp tỉnh: Trung tâm Khuyến nông tỉnh có lực lượng cán bộ có trình độ, năng lực khá đồi dào, đầy đủ các lĩnh vực, có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông lâu năm, với tổng số 48 cán bộ, trong đó: Trình độ trên Đại học 4 người; trình độ kỹ sư, cao đẳng 44 người; - Cấp huyện: Hiện tại trên 12 huyện, thị xã, thành phố đã có Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi, với tổng số: 148 cán bộ, trong đó: trình độ trên Đại học 6 người, còn lại đã được qua đào tạo có trình độ kỹ sư, cao đẳng và sơ cấp; - Ở cấp xã: Hầu hết các xã sản xuất nông nghiệp đều có cán bộ khuyến nông đảm nhiệm, với tổng số trên 200 người, trong đó có những người là kỹ sư, phần lớn là trình độ trung học, sơ cấp có lòng hăng say nhiệt tình, dày dạn kinh nghiệm (riêng huyện Hương Sơn không có khuyến nông viên cấp xã).
2. Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn
Được thực hiện bằng cả 4 hình thức: Báo nói, báo viết, báo hình, báo điện tử đã có hiệu quả tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là Chương trình Truyền hình Nông nghiệp nông thôn đã trở thành công cụ truyền thông không thể thiếu được nhằm cung cấp kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM nói riêng; hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản bằng hình ảnh rõ nét, bài viết kỹ thuật cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện đã trở thành cẩm nang tham khảo cần thiết cho bà con nông dân. Chuyển đổi mạnh mẽ về cả phương thức, phương pháp tập huấn, các khoá đào tạo tập huấn nghiệp vụ khuyến nông, lấy học viên làm trung tâm, giảng viên là tác nhân thúc đẩy học viên trao đổi, kích thích tính chủ động phát huy kinh nghiệm của học viên. Chương trình tập huấn đào tạo cho nông dân đã gắn kết với hiện trường tại các mô hình sản xuất, thông qua thực hành trên đồng ruộng (cầm tay chỉ việc), theo tiến độ sản xuất, thời gian thực hành chiếm tỷ lệ cao 50% thời gian học. Chính vì vậy, đã nâng cao rõ rệt hiệu quả các lớp học nhất là cho nông dân dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
3. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình khuyến nông
Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình trình diễn, nhất là đã đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi, giống thuỷ sản mới có năng suất, chất lượng cao, cập nhật các công nghệ mới và các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, THT), phát triển liên kết trong sản xuất theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.
4. Công tác tư vấn, dịch vụ khuyến nông
Đã tư vấn cho doanh nghiệp, người sản xuất về sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, thủy sản và các quy trình sản xuất, phòng trừ dịch hại tiên tiến; tham gia đào tạo kỹ thuật sản xuất thâm canh cây ăn quả có múi gắn với thực hành trên các vườn cây tại các huyện Can Lộc, Hương Khê. |