Độ 10 năm trước, khi máy gặt đập liên hợp lần đầu tiên xuống đồng thu hoạch lúa, một cụ bà 80 tuổi không nén nổi xúc động vì sự đổi thay của quê hương. Không chỉ có máy móc làm việc thay sức người, nông nghiệp Hà Tĩnh còn có cả những vựa hàng hóa, những dự án lớn với cuộc chuyển đổi cơ cấu hùng hậu, chuyển bước cơ bản nền nông nghiệp lạc hậu, phân tán sang hàng hóa và hội nhập…
Hà Tĩnh giữa hai mùa mưa nắng là gió lào và mưa phùn gió bấc. Những năm sau kháng chiến chống Pháp, nền kinh tế vốn dĩ chỉ phụ thuộc chính vào nông nghiệp lại càng nghèo nàn lạc hậu bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Hệ thống thủy lợi tưới tiêu gần như chưa hoàn chỉnh, cả tỉnh chẳng có lấy một công trình thủy nông tầm cỡ để đủ sức “nuôi dòng nước ngọt” cho sản xuất. Mùa nắng, hạn hán đỏ đồng, mùa mưa dầm dề ngập lụt. Cơ sở vật chất, kỹ thuật sản xuất thủ công, phụ thuộc vào tự nhiên là chính. Sản lượng lương thực năm 1956 đạt 18 vạn tấn, dù đã cao gấp đôi thời điểm sau cách mạng tháng 8 nhưng người nông dân vẫn phải chịu cảnh đói nghèo, thất bát.
Năm 1963, công trình thủy nông Linh Cảm được xây dựng và phải mất 13 năm sau nữa thì công trình thế kỷ Đại thủy nông Kẽ Gỗ mới khởi công, đánh dấu bước ngoặt mới cho sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh. May mắn, tôi đã được gặp gỡ một trong những người “thủ lĩnh” tiên phong đi xây dựng công trình thế kỷ này. Ông Đào Văn Tinh lúc đấy đang là Đội trưởng của Tổng đội TNXP và cơ duyên sau này là Giám đốc Sở NN&PTNT nhớ lại: “Thiết kế công trình thủy lợi Kẻ Gỗ đã có từ đầu thế kỷ trước nhưng do đất nước liên tục chiến tranh, biến cố nên bị đứt quãng. Ngày 15/6/1957 khi Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, người đã dặn: “Phải lục hồ sơ Kẻ Gỗ mà nghiên cứu trước đi, để khi có thời cơ là xây dựng”, có lẽ lời dạy đó đã thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân Hà Tĩnh khi bắt tay vào xây dựng. Chỉ sau hơn 1 năm sau ngày khởi công, dòng nước Kẻ Gỗ đã đổ về đồng ruộng”.
Mùa tiếp mùa những cánh đồng trù phú hiện hữu, chỉ tính riêng trong vòng 20 năm (1996 - 2016) năng suất bình quân lúa đạt 5,2 tấn/ha/vụ - 5,5 tấn/vụ, tăng gấp 5 lần so với năm 1980. Tổng sản lượng lương thực hàng hoá đã được tăng nhanh, không chỉ đủ ăn mà còn làm hàng hoá tiêu thụ ra thị trường. Từ chỗ tưới đơn thuần cây lúa, nay Hà Tĩnh có đến 13 sản phẩm chủ lực của đủ tất cả vùng miền. Điều quan trọng là quyết sách xem nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, BCH Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ thường xuyên ưu tiên nguồn lực để phát triển tam nông. Đặc biệt, tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 26-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới bằng ý chí cao nhất, cùng một lúc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu. “Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành luôn đạt cao hơn bình quân cả nước, riêng năm 2014 đã đạt trên 7,1%, cao nhất từ trước tới nay. Sản xuất nông nghiệp liên tục xác lập kỷ lục mới với tăng cao chất lượng hàng hóa, sản lượng lương thực đạt trên 56 vạn tấn; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 52% giá trị sản xuất nông nghiệp với nhiều hướng sản xuất lớn, liên kết chuỗi giá trị đã tạo ra những giá trị mới cho nền nông nghiệp tỉnh nhà”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Đã nhiều năm nay, khái niệm liên kết sản xuất, sản xuất chuỗi, sản phẩm chủ lực… đã không còn xa lạ với người nông dân Hà Tĩnh. Từ tầng lớp lao động nhỏ bé, họ đang trở thành trung tâm của sản xuất, tiếp nhận khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất, tạo ra những chuỗi giá trị gia tăng. Đó là những cánh đồng rau chuyên canh ở Thạch Văn, Thạch Trị “đánh thức” miền cát; là những vựa cam, vườn bưởi VietGap đang dần khẳng định tên tuổi của mình không chỉ ở thị trường nội địa; là những chương trình, dự án chăn nuôi khép kín sản xuất từ giống đến tiêu thụ... đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của nông nghiệp Hà Tĩnh. Không chỉ nông dân làm nông nghiệp, doanh nghiệp cũng làm nông nghiệp- là nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra một trường học lớn cho nông dân trước cánh cửa hội nhập. Ông Trần Hữu Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vitad cho biết: “Hiện, công ty đầu tư sản xuất chuyên canh ngô nguyên liệu với hình thức quản trị hiện đại, chuyên nghiệp. Lấy nông dân làm đối tác, công ty đã có liên kết sản xuất 3000 ha trên toàn tỉnh, từ khâu giống đến sản xuất”. Thành quả lớn nhất là sự tin tưởng của người nông dân với doanh nghiệp. “Không chỉ là hiệu quả kinh tế tức thời, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp sẽ là cơ sở để cây trồng truyền thống phát triển một cách bền vững hơn, nông dân chúng tôi cũng được mở mang sự kết nối với nông nghiệp hiện đại”, ông Dương Văn Ký, Hương Vĩnh, Hương Khê cho biết.
Cánh cửa hội nhập đang mở ra- là cơ hội, vừa là thách thức cho những nông dân hiện đại. Rồi đây, họ- trước đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh chống lại đói nghèo sẽ tiếp tục vững vàng trong vận hội mới, phát triển nền nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đưa “Hà Tĩnh ngày càng nổi bật hơn” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Oanh |