Vườn cây căn quả của bà Phan Thị Tam cho năng suất, chất lượng cao
Năm 1996, vợ chồng bà Tam và ông Phụ về nghỉ hưu khi Nông trường Thạch Ngọc đang thực hiện rộng rãi Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc… Theo đó, nhiều diện tích đất trống đã được giao cho người dân quản lý và sử dụng. Vợ chồng ông Phụ cũng là một trong những hộ dân được nhận đất tại Đội I, Nông trường Thạch Ngọc để phát triển kinh tế gia đình.
Với trên 1 ha đất, ngay từ những ngày đầu, vợ chồng ông Phụ đã bắt tay khai khẩn, quy hoạch để trồng cam, nhưng do đất đai kém dinh dưỡng, kinh nghiệm làm vườn hạn chế, những năm đầu, với chỉ vài chục gốc cam, cả 2 vợ chồng phải trầy trật vất vả nhưng cũng không thành công. Cam chậm phát triển, cho quả nhỏ và không đều; đặc biệt, cây cam rất mau tàn lụi.
Không nản chí với hướng đi của mình, sau một thời gian dài vừa nhân rộng mô hình sản xuất, vừa nghiên cứu, học hỏi, vợ chồng bà Tam đã dần rút ra được nhiều kinh nghiệm và cũng tiếp thu được nhiều kiến thức của những người đi trước về phát triển vườn đồi, đặc biệt là trồng và chăm sóc cây có múi.
Chia sẻ những thử thách trong quá trình phát triển kinh tế vườn của mình, bà Phan Thị Tam bày tỏ: “Điều khó khăn nhất là đất trồng quá thiếu dinh dưỡng, độ dày đất mặt thấp. Muốn cây cam phát triển bình thường, thì cần phải bổ sung một lượng đất dinh dưỡng nhất định. Xuất phát từ đòi hỏi đó, chúng tôi đã quyết định đào đất mặt ở nơi khác chuyển về nâng cao mặt đất cho vườn nhà mình. Ý tưởng đã có, nhưng làm thì không dễ. Với diện tích trên 1 ha đất vườn, trong khi nhân lực hạn chế, không có tiền thuê nhân công, để bồi đắp được một lớp đất dày hàng chục phân trên tổng diện tích này, các thành viên trong gia đình đã phải mất hàng năm trời làm cật lực”.
Đất đai được cải tạo, cộng với vốn kinh nghiệm sẵn có, vợ chồng bà Tam từng bước đầu tư mở rộng hết diện tích. Không có vốn đầu tư 1 lần, “lấy ngắn nuôi dài”, với sự giúp sức của chồng, bà Tam lựa chọn những cây cam khỏe thân, sai quả để chiết giống cho năm sau. Cứ như thế, không cần mua giống, sau ít năm cần mẫn, vợ chồng bà đã có hàng trăm gốc cam có phẩm cấp cao. Cùng với cây cam, nhận thấy cây bưởi Phúc Trạch có giá trị kinh tế cao trên thị trường, bà Tam đã dành quỹ đất trồng thêm hàng trăm cây bưởi để giảm rủi ro và tăng thu nhập.
Đến thời điểm này, khu vườn của gia đình bà Tam đã có trên 1.000 gốc cam chanh và bưởi Phúc Trạch, là mô hình kinh tế vườn điển hình của xã Ngọc Sơn. Điều đặc biệt là, với sự chịu khó tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế sản xuất, không chỉ năng suất cao, sản phẩm cam và bưởi của gia đình bà Tam còn có chất lượng cao không thua kém các thương hiệu nổi tiếng trong tỉnh.
Những năm gần đây, vườn của ông bà được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với hầu hết các khâu sản xuất bằng biện pháp sinh học, hữu cơ nên càng khẳng định thêm chất lượng sản phẩm hàng hóa, được nhiều người biết đến. Để tăng thu nhập, vợ chồng bà Tam cũng đã du nhập và lai tạo được một số giống bưởi phục vụ Tết Nguyên đán có giá trị cao. Thời gian qua, vườn cây của gia đình bà luôn được mùa và cho thu nhập ổn định trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Theo: Baohatinh.vn