Nhìn lại khoảng thời gian kể từ khi gia đình quyết định đến mảnh đất này lập nghiệp, anh Nguyễn Đức Dương (Thôn Đất Đỏ - xã Kỳ Trung– huyện Kỳ Anh – Hà Tĩnh) thầm nghĩ “không có gì là không thể”. Bởi từ những mong muốn của anh là làm sao để gia đình đỡ vất vả và có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn bây giờ đã trở thành sự thật.
Gia đình anh Nguyễn Đức Dương quê vốn ở xã Cẩm Hòa – huyện Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh. Nơi đây đất chật người đông, thu nhập chính của gia đình chỉ từ mấy sào ruộng. Nhìn 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học càng làm anh thêm trăn trở. Cũng chính từ ý chí và quyết tâm muốn thoát nghèo đó mà năm 2004, huyện Kỳ Anh thành lập xã mới (xã Kỳ Trung), do mới thành lập nên đất rộng, người thưa. Vì thế, sau 2 năm thành lập, huyện đã có chủ trương tiếp nhận các hộ dân nơi khác về đây khai hoang, phát triển kinh tế. Và anh Nguyễn Đức Dương là một trong những hộ dân đầu tiên đến vùng Đất Đỏ này lập nghiệp.
Năm 1976, Nông trường trồng chè 2/9 đã được hình thành và đã thu hút được người dân khắp nơi về đây khai hoang phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, huyện Kỳ Anh mới tách đất từ 07 xã lân cận, quy hoạch lại và thành lập xã Kỳ Trung như hiện nay.
Khi đến đây, cũng như bao hộ dân khác anh được chính quyền xã cấp đất để khai hoang làm kinh tế. Ở đây, nghề trồng chè đã hình thành từ lâu, nên bước đầu, anh dành ngay 2ha đất để trồng chè. Lợi thế là sản phẩm chè búp thu hoạch xong được Nông trường thu mua luôn nên không phải lo đầu ra. Cứ mỗi năm, trên 2ha chè anh thu hoạch bình quân 25-30 tấn chè búp. Từ khi trồng đến khi thu hoạch, thời gian để chăm sóc cây chè không tốn nhiều công như những đối tượng khác. Vì thế, vợ chồng anh đã tăng gia sản xuất bằng cách kết hợp nuôi trồng các cây con và mở rộng diện tích phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Đức Dương đã tạo công ăn việc làm cho 3-5 lao động theo thời vụ
Mới ban đầu, còn khó khăn về vốn, kỹ thuật nên anh chỉ đầu tư một thứ một ít “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài 1 cặp bò và đàn gà hơn 50 con, anh bắt đầu tìm hiểu các loại cây ăn quả phù hợp với đất đai thổ nhưỡng nơi đây để mua giống về trồng. Ban đầu anh trồng chuốí, vì nghĩ cây chuối vừa cho quả vừa làm thức ăn cho bò, cho gà. Sau đó, anh mua thêm giống ổi, cam và trồng các loại rau, đậu, vừng,… để tăng thu nhập. “ Mấy năm đầu, vì kỹ thuật chưa có, nuôi gà thì bị dịch bệnh và chết nhiều, cây ăn quả trồng thì mùa được mùa mất, sâu hại phá hoại, nhiều năm cũng mất cả vốn lẫn lời, nghĩ cũng nản chí nhưng nghĩ thế thôi chứ cũng phải làm, làm nhiều có thêm kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được” anh tâm sự. Đúng như anh nói, “vạn sự khởi đầu nan”, khi làm nhiều và có kinh nghiệm thực tế, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật tại địa phương cùng với sự chịu khó học hỏi qua tivi, sách, báo, mà anh đã mạnh dạn đầu tư quy mô lớn hơn, bài bản hơn. Vì thế, nên vợ chồng anh đã nhanh chóng tích góp được khoản kha khá, đủ để trang trải cuộc sống và cho các con ăn học.
Anh Nguyễn Đức Dương bên đàn bò của gia đình
Không dừng lại ở đó, để đảm bảo cuộc sống được sung túc hơn, vợ chồng anh đã bàn với nhau thuê thêm 05ha đất rừng để trồng keo. Ngoài ra, anh còn mua thêm 11 con bò lai Sin. Anh trồng thêm 01 ha cỏ để lấy thức ăn cho bò. Hàng năm, số bê con ra đời anh vừa bán lấy tiền cung cấp con cái ăn học, vừa để lại tăng đàn. Bây giờ, vợ chồng anh đang sở hữu 20 con bò và đàn gà 300 con cùng với 02 ha chè nguyên liệu, 05 ha Keo, 02 ha đất trồng cây ăn quả và rau màu các loại. Mặc dù, năm nay giá cả thị trường không thuận lợi nhưng các sản phẩm từ trang trại nhà anh luôn có thương lái đến đặt hàng. Bởi các sản phẩm từ gà, bò, đến các loại rau, quả anh nuôi trồng đều hướng tới nguồn sản phẩm sạch. Đây cũng là hướng sản xuất mà anh đã và đang thực hiện với mong muốn mở rộng thêm diện tích quy mô để cung ứng cho thị trường nhiều hơn. “Cứ bình quân, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình thu nhập được từ 200-300 triệu đồng/năm” anh chia sẽ.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mà anh còn tạo việc làm cho 3 -5 lao động hái chè búp theo mùa vụ với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Từ một người nông dân chỉ biết tới cây lúa, sau gần 10 năm lên vùng đất này lập nghiệp, trải qua bao vất vả, khó khăn, anh đã có một quy mô trang trại rộng lớn và về kỷ thuật nuôi trồng anh nắm khá vững. Và có lẽ, thành quả lớn nhất đối với anh đó là lo cho 4 đứa con học hành đến nơi đến chốn, bây giờ đã ra trường và có việc làm ổn định.
Anh Lê Công Hòa – Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Trung cho biết: “ Để bám trụ lại mảnh đất này và làm giàu được không phải là chuyện dễ, nhiều người dân nơi khác đến rồi đi hoặc chỉ làm để đủ ăn qua ngày nhưng với anh Nguyễn Đức Dương thì khác. Với ý chí quyết tâm và nghị lực của mình anh đã vượt qua bao vất vả, khó khăn, là một người nông dân với ước mơ làm giàu bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Anh là một tấm gương nông dân tiêu biểu của xã Kỳ Trung trong những năm qua”.
Nguyễn Hoàn |