Sau khi nắm bắt ý tưởng và tìm hiểu về tập quán sinh sống, cách chăm sóc và thị trường đầu ra, gia đình bà Lê Thị Huyền ở tổ dân phố Liên Minh, Phường Kỳ Long - Thị xã Kỳ Anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi chim trĩ. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đối tượng nuôi mới, chưa có kinh nghiệm nhưng mô hình bước đầu đã thành công.
Với bản tính ham học hỏi, hai người con trai của bà Huyền đã tìm hiểu về cách nuôi loài chim này qua sách báo, internet và giữa năm 2017, gia đình bà quyết định đầu tư 400 triệu đồng xây dựng chuồng trại và vào Huế mua 60 con chim trĩ về nuôi. Những ngày đầu tiên thả nuôi, gia đình Bà gặp phải rất nhiều khó khăn do không nắm vững kỹ thuật nên chim trĩ liên tục bị hao hụt và phát triển kém. Nhưng nhờ hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, hiện đại, được chia làm nhiều ô cho từng lứa chim, có hệ thống cấp nước sạch tự động và hệ thống máng ăn đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, nhờ chịu khó vừa nuôi, vừa họ chỏi kinh nghiệm nên đàn chim trĩ của gia đình bà đã phát triển tốt, sau gần1 năm gây dựng đàn chim trĩ của nhà bà đã lên đến 300 con và bắt đầu cho thu hoạch.
Chia sẽ với chúng tôi, bà Lê Thị Huyền cho biết, nghề nuôi chim trĩ cũng đơn giản, thức ăn của chúng là lúa, ngô như các loại gia cầm, tuy nhiên để nuôi thành công đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật, bởi chim trĩ hay bị chết nếu không bố trí mật độ nuôi hợp lý, phòng bệnh cho đến chăm sóc và choăn. Chim trĩ từ khi ấp nở cho đến 1 tháng tuổi là giai đoạn chim yếu nhất nên phải chăm sóc kỹ bằng cách nuôi trong chuồng úm, nhiệt độ dao động từ 36 – 380C (tùy thời điểm), đặc biệt tiêm vacxin đầy đủ từ sau khi nở. Bên cạnh đó chuồng nuôi phải được vệ sinh thường xuyên; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ, thậm chí nấu nước sôi để nguội cho chim non uống. Theo tính toán đàn chim trĩ 300 con mỗi ngày ăn khoảng 15kg thóc và ăn kèm theo các loại rau và hạt ngô. So với nuôi gà công nghiệp thì con chim trĩ có thời gian trưởng thành rất nhanh, giá thành bán ra lại cao và ổn định. Hiện trang trại của bà đã có 100 con chim trĩ sinh sản và 200 con chim trĩ thương phẩm cung cấp ra thị trường. Đến nay, sau gần một năm gia đình bà đã xuất bán chim trĩ thương phẩm, mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,2 - 1,5 kg, con mái thường nặng từ 1 - 1,2 kg, giá bán loại chim này khoảng 220.000 – 250.000đồng/kg chim thịt, 250.000– 300.000 đồng mỗi cặp chim giống, đã mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho gia đình bà Huyền.
Chim trĩ là động vật quý hiếm, hiện nay chim trĩ đã được gây nuôi thành công trong môi trường nuôi nhốt, nên người chăn nuôi chỉ cần đến đăng ký tại các hạt kiểm lâm địa phương để có giấy phép. Do là loài đặc sản mới được gây nuôi thành công nên hiện nay chim trĩ được ưa chuộng trên thị trường. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho các hộ dân mong muốn thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên địa bàn.
Đặng Thị Thuận
|