Hà Tĩnh được biết đến với đặc sản bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn và cam chanh các loại gắn với địa danh như: Cam Khe Mây, Cam Vũ Quang, Cam Hương Sơn, Cam Thượng Lộc,… Tuy nhiên các nhà vườn sản xuất còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, sản xuất theo kinh nghiệm. Do đó, việc đưa thương hiệu cam phát triển ra thị trường lớn còn hạn chế.
Nhằm định hướng phát triển cam Hà Tĩnh bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP” tại vùng Trà Sơn (xã Mỹ Lộc và xã Thượng Lộc), huyện Can Lộc.
Sau một thời gian triển khai đã có sự thay đổi lớn trong các nhà vườn tham gia mô hình. Đến với các vườn cam trĩu quả, chúng ta nhìn thấy rõ sự đồng đều kích thước quả, vườn cam sạch sẽ, ngăn nắp và các hệ thống tưới tiêu, phun thuốc, bón phân,… được đồng bộ hóa và đặt đúng nơi quy định. Thăm vườn hộ anh Trần Thư Khương (xóm Anh Hùng – xã Thượng Lộc), chúng tôi thấy anh cười tươi chia sẽ: “Khi thâm canh cam theo VietGAP, lúc đầu chúng tôi còn rất bỡ ngỡ về kiến thức VietGAP, đặc biệt là cách ghi sổ nhật ký sản xuất vì chúng tôi là những người nông dân, chân lấm tay bùn, ít khi cần đến bút viết, sổ sách. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm, chúng tôi đã làm tốt các khâu từ chăm sóc vườn cam đến hoàn thiện các hồ sơ giấy tờ và bây giờ đã được cấp chứng chỉ VietGAP”.
Với một quy trình nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP đã đưa lại những lợi ích thiết thực như: Phòng trừ sâu bệnh theo quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, làm giảm lượng thuốc BVTV trong sản xuất, giảm công phun thuốc. Trong chăm sóc cây, sử dụng phân hữu cơ là chủ yếu, bón phân đúng thời điểm, tăng hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng, giảm lượng phân thất thoát. Ý thức nông hộ trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt: Vỏ chai, bao bì thuốc BVTV được thu gom cho vào nơi quy định không vứt bỏ bừa bãi, vườn cây luôn sạch sẽ, không còn cỏ dại, bụi rậm được phát quang, các lô thửa đều có biển hướng dẫn, cảnh báo…. Áp dụng VietGAP làm thay đổi tập quán sản xuất hiện nay, giảm bớt được chi phí y tế, người dân được sử dụng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Những cơ sở sản xuất áp dụng quy trình và được cấp chứng chỉ VietGAP sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Chứng chỉ VietGAP giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được tăng lên, mẫu mã quả đẹp, đồng đều.
Chúng tôi đến với hộ chị Phan Thị Hiền (xóm Anh Hùng - xã Thượng Lộc) - Một trong các hộ tham gia mô hình, chị phấn khởi chia sẽ: “Năm nay nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất cao theo VietGAP, giảm được nhiều chi phí trong sản xuất, mẫu mã quả đẹp, năng suất trồng cam của gia đình đạt gần 25 tấn/ha, giá bán thời điểm này chỉ được 35.000 - 40.000đ/kg. Nhưng gần tết giá sẽ cao hơn rất nhiều có khi đạt 100.000 - 120.000đ/kg, nên gia đình tôi để một phần chờ gần dịp tết mới bán ra thị trường. Ước tính, mỗi năm gia đình thu trên 500 triệu đồng/ha”.
Đi cùng chúng tôi có ông Nguyễn Viết Chuân – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, ông chia sẽ: “Với số lượng nhiều, chất lượng tốt nên cam Thượng Lộc đã có mặt khắp thị trường trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt Cam Thượng Lộc được cấp chứng nhận VietGAP góp phần xây dựng cho thương hiệu cam nơi đây”.
Việc triển khai thực hiện mô hình “Thâm canh cây cam theo VietGAP” là một hướng phát triển sản xuất cam bền vững và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng cam, đồng thời đưa sản phẩm cam của Hà Tĩnh có thương hiệu và đứng vững trên thị trường. Chào tạm biệt vùng Trà Sơn một vùng đất đồi núi nhưng đầy màu xanh của hy vọng, trong mỗi chúng tôi đều thấy tương lai mới đang khởi sắc cho sản phẩm đặc sản của tỉnh nhà./.
Trần Hà |