Lươn là đối tượng thủy sản có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng và có thể nuôi dưới nhiều hình thức như nuôi trong bể xi măng, bể compozit hay trong bể lót bạt. Đặc biệt, khi nuôi lươn người nuôi có thể tận dụng được diện tích ở quy mô nông hộ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Tại Hà Tĩnh, mô hình nuôi lươn không bùn là một hướng đi mới, đã được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư nuôi và cho nhiều kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người chăn nuôi.
Anh Phạm Ngọc Dung thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà. Từ 3 bể nuôi đầu tiên bằng lót bạt nay cơ sở nuôi của anh lên tới 45 bể nuôi bằng compozit. Mỗi năm anh chia thả giống 3 lần, cách nhau 1- 2 tháng. Ngoài thức ăn công nghiệp, anh còn cho lươn ăn giun quế, cá xay và lòng đỏ trứng gà để cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất, giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn. Từ kích cở giống thả 500con/kg, sau thời 8-10 tháng nuôi mỗi con đạt trọng lượng từ 3 - 400 gam, thì có thể xuất bán, với giá hiện nay từ 130 - 150 nghìn đồng/1kg. Mỗi bể có diện tích 5m2 được thả nuôi khoảng 2000 con lươn giống, sau khi trừ chi phí anh Dung thu lãi mỗi bể khoảng hơn 20 triệu đồng.
Theo anh Dung, ưu điểm của nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định. Để lươn nuôi không nhiễm bệnh, phát triển tốt, mỗi ngày dành thời gian 2 lần để thay nước trước khi cho lươn ăn nên nước nuôi luôn luôn đảm bảo sạch giúp lươn phát triển khỏe mạnh. Toàn bộ nước thải của lươn anh cho vào bể lắng, bể này nuôi cá trê và thả bèo đồng thời dùng men vi sinh xử lý các chất bẩn giúp nguồn nước khi thải ra không gây ô nhiễm môi trường. Từ ưu điểm vượt trội của mô hình nuôi lươn không bùn, anh Dung dự định sẽ mở rộng quy mô, tăng thêm số bể nuôi.
Cơ sơ nuôi lươn của anh Phạm Ngọc Dung
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện nhưng chàng thanh niên trẻ Lê Văn Đức tại thôn 3, xã Thạch Ngọc, Huyện Thạch Hà lại có niềm đam mê đối với nghề nuôi trồng thủy sản. Qua tìm hiểu sách báo, internet anh thấy lươn dễ nuôi, cho thu nhập cao nên đầu năm 2023, anh đầu tư xây dựng hệ thống với 27 bể nuôi lươn không bùn bằng xi măng, trong đó có 20 bể thịt và 7 bể ươm và nuôi con giống. Với mỗi bể 9m2 lươn thương phẩm, anh thả với mật độ 400con/ m2 trọng lượng con giống đạt 500con/kg, sau hơn 11 tháng nuôi anh thu hoạch lứa đầu tiên đạt hơn 1 tấn lươn, trọng lượng đạt 3-5 con, thu về gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, anh đang nuôi lứa tiếp theo, dự kiến vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 2 tấn lươn. Ngoài ra, anh còn ươm và cung cấp giống cho các hộ nuôi lươn trên địa bàn.
Cơ sơ nuôi lươn của anh Lê Văn Đức
Cơ sở nuôi lươn của anh Trần Xuân Trường, thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc hiện đang có 25 bể nuôi lươn, trong đó có 12 bể lươn sinh sản với diện tích 15m2 /bể, 10 bể nuôi lươn thịt và 3 bể dùng để ươm lươn giống với diện tích 5m2/bể. Anh cho biết, ban đầu anh mua lươn đồng về để thuần nuôi nhưng hiệu quả không cao. Từ đó, anh tìm hiểu và chọn mua giống lươn ở nơi khác về nuôi, nhờ có cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh đã ổn định, phát triển tốt và cho thu nhập cao. Mỗi năm anh cung cấp ra thị trường khoảng 30 vạn con giống, hơn 2 tấn lươn thương phẩm, đem lại thu nhập từ 500-600 triệu đồng. Cùng với cung cấp giống, anh còn tư vấn miễn phí về cách làm bể, kỹ thuật nuôi, cách chăm sóc lươn cho các cơ sở nuôi lươn trong toàn tỉnh. Với sự nỗ lực, vượt khó, nhiều năm liền anh được các cấp chính quyền tặng bằng khen, giấy khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Anh Trần Xuân Trường đan kiểm tra lươn trước lúc xuất bán
Có thể thấy rằng, nuôi lươn không bùn là một giải pháp hiệu quả để thay thế phương thức nuôi truyền thống do vốn đầu tư ít, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, dễ kiểm soát được dịch bệnh,lại phù hợp điều kiện nuôi tại nhiều địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của các mô hình nuôi lươn không bùn đã mở ra hướng đi mới, giúp người dân khai thác có hiệu quả các diện tích sẵn có tại nông hộ, nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, để nghề nuôi lươn phát triển bền vững, thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân,.../.
Phú Hòa |