Mặc dù đều đã hơn 60 tuổi, nhưng những lão nông ở Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh vẫn miệt mài phát triển nghề nuôi ong lấy mật, xây dựng thương hiệu mật ong Đức Lĩnh.
Xã Đức Lĩnh huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, chủ yếu diện tích là đồi núi với nhiều loại cây rừng, cây ăn quả,... đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật. Với điều kiện tự nhiên sẳn có, những năm qua người dân vùng đồi Đức Lĩnh đã biết tận dụng lợi thế này để hình thành nghề nuôi ong. Tuy nhiên, bước đầu quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, các hộ chỉ nuôi từ một vài đàn, cá biệt mới có hộ nuôi 5 - 10 đàn; Giống ong chủ yếu được các hộ săn bắt từ tự nhiên về nuôi dưỡng, hoặc mua từ các hộ tại địa phương tự nhân đàn; kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế nên các đàn ong bị bốc bay bỏ đi nhiều, nhất là mùa nắng nóng và mùa giá rét; khi thời tiết thuận lợi các hộ dân tiếp tục mua giống hoặc bẫy ong nuôi lại từ đầu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch xã Đức Lĩnh cho hay: Năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thực hiện dự án “Xây dựng Mô hình Hợp tác xã nuôi ong và xây dựng sản phẩm OCOP” với quy mô 500 đàn ong (50% ngân sách nhà nước, 50% đối ứng của người dân) và rất may mắm xã Đức Lĩnh được chọn là địa điểm triển khai. UBND xã đã làm việc với các thôn xóm và chọn ra 10 hộ đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Dự án, mong muốn qua mô hình này sẽ phát triển nghề nuôi ong tại địa phương, đồng thời xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, khảng định thương hiệu mật ong Đức Lĩnh.
Thăm hộ ông Nguyễn Ngọc Thanh - Một trong các hộ tham gia mô hình. Khung cảnh nơi đây thật đẹp, hàng rào xanh 2 bên đường được cắt tỉa tỉ mỉ. Vào trong khu vườn, phía dưới có hồ nước trong xanh, phía trên là vườn cây xanh mát. Các thùng nuôi ong được đặt ngay ngắn theo hàng lối tươm tất dưới những gốc cây hồ tiêu, gốc cây ăn quả… Tiếng ong kêu vo ve, từng đàn ong chao lượn đi tìm hoa, hút mật, tạo cảm giác khu vườn rất thanh tĩnh, con người như được hòa vào thiên nhiên.
Mặc dù hơn 60 tuổi, nhưng trông ông Thanh rất khỏe mạnh, thao tác kiểm tra ong nhanh nhẹn, ông chia sẻ: Ông nuôi ong từ 15 năm nay. Khi mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm nên chỉ nuôi một đàn ong. Sau đó quá trình tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi cũng dần dần gia tăng số lượng đàn nuôi, nhưng dừng lại ở con số nuôi 10 đàn. Nay được sự hỗ trợ của dự án, ông đã mạnh dạn phát triển đàn ong lên đến 50 đàn. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ ong giống và các vật tư thiết yếu nuôi ong như đường, phấn hoa, thùng quay mật, chân tầng, bộ dụng cụ nhân đàn …; được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đầy đủ từ lý thuyết đến thực hành nên đàn ong luôn khỏe mạnh, đông quân.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của các đàn ong
Cách nhà ông Thanh không xa là nhà ông Nguyễn Quang Đài cũng với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi ong. Vừa tự tay lấy những tầng ong mật đặc vàng rộm, sóng sánh, ông Đài phấn khỏi chia sẻ: Mỗi năm 1 đàn ong có thể cho thu hoạch từ 5 - 7 đợt mật, những gia đình chăm sóc ong tốt có thể thu hoạch lên tới 9 đợt mật/năm. Đến thời điểm này, gia đình ông đã thu được hơn 500 lít mật từ 50 đàn ong, giá bán 200.000 đ/lít, trừ đi chi phí sản xuất, thu về được hơn 100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Quang Đài thu hoạch mật ong
Cũng theo ông Đài: Trước đây nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả. Công việc làm nông cũng hơi vất vả nặng nhọc. Hiện nay tuổi ông cũng đã cao, gần 70 tuổi, nên nghề nuôi ong phù hợp với ông hơn. Nghề nuôi ong lấy mật đầu tư vốn ít và không vất vả. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, tỉ mỉ trong việc chăm sóc hằng ngày như thường xuyên vệ sinh thùng ong đảm bảo khô ráo, sạch sẽ,... và có các biện pháp thính hợp để chống rét, chống nóng. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong xã Đức Lĩnh, các hộ dân tham gia dự án đã thành lập “Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh”. Trong quá trình hoạt động, các thành viên của hợp tác xã luôn tuân thủ các nội quy, quy định, quy trình sản xuất do hợp tác xã đề ra. Sản phẩm mật ong của hợp tác xã được đóng chai, dán nhãn mác đầy đủ, do đó đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Thu nhập của các hộ dân đạt từ 80 -100 triệu đồng/năm.
Sản phẩm mật ong Đức Lĩnh mang hương vị núi rừng, được thị trường ưa chuộng
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lĩnh khẳng định: Sản phẩm mật ong Vũ Quang đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, cho nên chúng tôi mong muốn xây dựng thương hiệu riêng của địa phương. UBND xã đang hỗ trợ Hợp tác xã nuôi ong lấy mật xã Đức Lĩnh xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đưa sản phẩm mật ong Đức Lĩnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh./.
Trần Hà
|