Hiện nay đã bước vào sản xuất vụ Đông, hầu hết tại các hộ dân đều sản xuất rau nhằm phục vụ cho gia đình cũng như cung ứng cho thị trường. Vụ Đông tại Hà Tĩnh thường gặp điều kiện thời tiết bất thuận đầu vụ làm cho việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó nhằm hỗ trợ việc sản xuất rau an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sống chúng tôi xin được giới thiệu “Quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn” với các nội dung như sau:
1. Đất trồng rau
Rau là cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị dinh dưỡng phong phú, năng suất trên đơn vị diện tích cao. Cây rau yêu cầu đất rất nghiêm ngặt. Chọn được đất trồng rau là khâu quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Các loại đất quan trọng cho sản xuất rau là đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất thịt mịn và đất phù sa ven sông. Đất trồng rau cần có tầng canh tác từ 20-40 cm. Đất phải tới xốp, giàu mùn, giữ nước, giữ phân, tưới tiêu tốt.
Mỗi loại rau yêu cầu với đất khác nhau. Ví dụ: loại rau ăn rễ củ (củ cải, cà rốt) yêu cầu đất cát pha, đất phù sa ven sông, trên những loại đất này loại rễ củ cho năng suất cao, phẩm chất tốt.
Khu trồng rau cần xây dựng các hệ thống đường, bờ vùng, bờ thửa:
- Hệ thống đường trục chính: hệ thống đường lớn xuyên qua trung tâm chia cắt khu sản xuất thành những khu nhỏ, phục vụ đi lại, vận chuyển bằng phương tiện ôtô vận tải, máy kéo, xe kéo bằng súc vật, xe cải tiến,...
- Hệ thống bờ thửa dùng để đi lại, giữ nước, giữ phân và vận chuyển sản phẩm thu hoạch.
- Hệ thống mương tưới và mương tiêu: ở vùng chuyên canh rau thì hệ thống tưới và tiêu nước xen kẽ nhau. Mương tiêu phải sâu hơn mương tưới.
2. Kỹ thuật làm đất
Làm đất đúng kỹ thuật cây sẽ sử dụng độ phì trong đất có hiệu quả, cây sử dụng nước và phân bón sẽ tốt hơn, có tác dụng diệt trừ cỏ dại và sinh vật gây hại,...
Làm đất không đúng kỹ thuật sẽ gây trở ngại cho cây, gây tổn thương cây khi xới xáo, tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát triển. Cày bừa nhiều lần, làm đất quá kỹ sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Kỹ thuật làm đất có các bước sau:
- Làm vỡ lớp đất mặt: Dùng cày do gia súc kéo, máy kéo, máy phay đất hoặc cuốc để cắt, tách đất.
- Làm nhỏ đất: Dùng bừa, máy phay,… làm đất nhỏ vụn, tơi xốp. Làm đất quá nhỏ vụn sẽ ảnh hưởng tới cấu tượng đất, mặt đất kết váng sau những trận mưa lớn, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi khí. Đất quá to ảnh hưởng không tốt đến sinh trưởng của nhiều loại rau, vì hệ rễ của cây rau nhỏ và yếu. Đường kính viên đất ở lớp đất mặt hợp lý khoảng 2-3 cm. Đất gieo ươm hạt giống thì cần nhỏ hơn một chút.
Trong khi bừa, phay đất kết hợp thu gom cỏ dại, tàn dư thực vật.
- San bằng đất: Dùng các dụng cụ cần thiết (bừa, máy kéo, cào) san đất từ chỗ cao xuống chỗ thấp, làm cho mặt đất bằng phẳng, như vậy sẽ có lớp đất mặt nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc gieo trồng, chăm sóc, cây rau sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
- Lên luống: tùy theo thời vụ khác nhau mà khi lên luống cần có những kỹ thuật riêng.
+ Luống bằng: mặt luống bằng phẳng, lớp đất mặt được san đều, loại luống này sử dụng cho những vùng hoặc những vụ có thời tiết ôn hòa.
+ Luống mui thuyền: Khi lên luống, dùng cuốc vun đất cao ở giữa luống và thấp dần về hai bên mép luống. Loại luống này sử dụng ở vụ sớm và những nơi có mực nước ngầm cao.
+ Luống lòng khay: mặt luống bằng phẳng, xung quanh mép luống đất được vun cao 5-7 cm để giữ ẩm, giữ nhiệt. Loại luống này sử dụng ở những vùng hoặc những mùa vụ khô, nhiệt độ thấp.
+ Luống gờ sống trâu: trên mặt luống rạch thành hàng, khoảng cách giữa hai hàng tùy thuộc theo loại rau, độ sau của hàng từ 10-20 cm. Cây rau được trồng dưới rãnh. Loại luống này sử dụng cho những vùng thường xuyên có gió, có tác dụng giữ nhiệt, giữ ẩm và hạn chế sự di chuyển đất ở hốc cây
Chiều rộng chiều cao luống: chiều rộng chiều cao luống thay đổi theo mùa vụ và theo từng loại rau. Chiều rộng luống từ 1m-1,2 m và chiều cao luống từ 20-30 cm. Đối với những loại rau cây thấp, ít phải chăm sóc như mùi, thì là, cải cúc, sà lách,… chiều rộng luống từ 1,2-1,5 m, cao luống từ 15-20 cm.
Rãnh luống để đi lại chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, rãnh luống từ 22-25 cm.
Nông dân các địa phương tất bật sản xuất cây vụ Đông
3. Thời vụ trồng rau và các công thức luân canh cây trồng
Xác định thời vụ gieo trồng cho các loại rau là rất khó khăn và phức tạp. Vì cây rau rất mẫn cảm với điều kiện môi trường nhất nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng và sâu bệnh hại.
Cơ sở khoa học để xách định thời vụ gieo hạt là dựa vào nguồn gốc cây rau, yêu cầu của cây rau đối với điều kiện sinh thái. Mặt khác phải nghiên cứu nhu cầu của người dân.
Trong điều kiện thời tiết của nước ta, vụ Đông Xuân thích hợp với những cây rau có nguồn gốc ở vùng ôn đới như su hào, bắp cải, hành tây, cà rốt, tỏi,… Vụ Xuân Hè thích hợp cho những cây rau ở vùng nhiệt đới như: rau muống, rau dền, cà, ớt, bí ngô, dưa hấu, dưa chuột,...
Luân canh cây trồng là sự bố trí các công thức luân canh theo mùa vụ và theo thời gian một cách khoa học, nhằm sử dụng đất đai hợp lý, tăng số vòng quay của đất đai.
Một số công thức luân canh phù hợp khu vực Bắc Trung Bộ:
+ Su hào - Lạc - Lúa hè thu
+ Cải bắp - Lạc - Lúa hè thu
+ Cà rốt - Dưa chuột - Lúa hè thu
+ Su hào - Bí xanh - Lúa hè thu
4. Kỹ thuật gieo ươm cây và chăm sóc sau gieo
Phân loại hạt giống để xác định lượng giống cần gieo. Trước khi gieo cần xử lý hạt giống để thúc mầm và kích thích mầm mọc nhanh.
Sau khi đã làm đất kỹ tiến hành gieo hạt. Có 3 phương pháp gieo: gieo vãi, gieo hàng và gieo hốc
Gieo vãi áp dụng cho những loại hạt giống phải qua vườn ươm: cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua,… gieo hàng và gieo gốc thường áp dụng cho các loại cây trồng không qua vườn ươm.
Sau khi gieo cần tưới nước cho hạt nảy mầm. Trước khi cây mọc mỗi ngày tưới 2 lần tùy theo thời tiết và độ ẩm đất. Sau khi cây mọc cần ngừng tưới 5-7 ngày để huấn luyện hệ rễ cho cây. Sau đó tiếp tục tưới đủ ẩm. Trước khi nhổ hoặc bứng đi trồng thì ngừng tưới một tuần để rèn luyện tính chịu hạn cho cây. Trước khi nhổ đi trồng 5-6 giờ phải tưới đẫm để bão vệ bộ rễ.
Trong quá trình chăm sóc trừ cỏ dại và những cây còi cọc. Nếu thấy cây con sinh trưởng kém thì tưới thúc 1-2 lần bằng nước phân đạm 1-2%. Tưới xong phải dùng ô doa tưới rửa lá.
5. Phương pháp trồng cây con ra ruộng sản xuất
Trong sản xuất tùy theo điều kiện và đặc điểm giống, người trồng rau có thể áp dụng trồng bầu hoặc trồng rễ trần.
Trồng bầu là khi trồng đem theo khối đất xung quanh hệ rễ. Trồng bầu tỷ lệ sống cao, sau trồng cây hồi phục nhanh nhưng cách trồng này không thuận tiện khi phải vận chuyển cây giống đi xa. Do trồng bầu vận chuyển khó khăn nên người ta thường trồng rễ trần (khi nhổ không mang theo đất). Trong quá trình vận chuyển cây con cần phải sắp xếp cây giống hết sức nhẹ nhàng tránh dập nát, héo úa. Thường dùng các loại lá mềm để gói gốc như lá chuối, lá môn, bầu bí,...
Xác định mật độ trồng thích hợp cho mỗi loại rau là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong tăng năng suất. Khoảng cách, mật độ củ mỗi loại rau phụ thuộc vào nhiều yếu tố: đặc tính giống, đặc trưng hình thái, điều kiện ngoại cảnh và kỹ thuật trồng trọt.
6. Phân bón và cách bón phân
Rau là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, tốc độ sinh trưởng nhanh, năng suất trên đơn vị diện tích cao, vì vậy yêu cầu chất dinh dưỡng trong suốt thời kỳ sinh trưởng
Nguyên tắc bón phân cần tuân thủ về chủng loại, cân đối, đúng liều lượng, đùng thời kỳ. Mặt khác phải bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại rau.
Khi xác định lượng phân bón phải căn cứ vào từng chủng loại sản phẩm, hàm lượng N,P,K trong sản phẩm và trong đất.
Phương pháp bón phân thường là bón lót và bón thúc
* Bón phân: Trước khi gieo trồng thường bón những loại phân phân giải chậm như phân hữu cơ và một số loại phân vô cơ như lân, NPK,…
Phân hữu cơ trước khi bón cần ủ hoại mục, trộn đều với đất và vùi sâu từ 10-15 cm. Gặp thời tiết mưa nhiều có thể bón ngay sau khi cây hồi xanh.
Trong sản xuất rau an toàn tuyệt đối không được sử dụng các loại phân tươi, nước phân chưa hoai, nước giải để tưới.
Khi cây sinh trưởng mạnh quá trình hình thành cơ quan dinh dưỡng (bắp, rễ củ, thân củ, quả) cần nhiều chất dinh dưỡng dễ hòa tan, có hiệu quả nhanh như phân đạm vô cơ và phân kali như: ure, nitratomôn, nitratkali và các loại phân vô cơ đã qua chế biến như NPK tổng hợp, phân vi sinh,…
Phân đạm, phân kali chủ yếu dùng để bón thúc và bón lót một phần lúc đầu để cung cấp dinh dưỡng cho cây con.
Khi cuối thời kỳ sinh trưởng, sự hấp thu của bộ rễ đã yếu đi, có thể bón một số loại phân bón lá. Trước thu hoạch 15 ngày ngừng bón phân.
7. Chăm sóc sau trồng
- Tưới nước cho cây rau đủ ẩm
- Xới vun và trừ cỏ dại: Xới làm cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ nước, giữ phân. Sau khi xới lớp đất mặt tơi xốp các mao quản bị cắt, giảm thiểu sự thoát hơi nước. Hệ rễ thường phân bố ở tầng đất mặt 3-30 cm nên không xới quá sâu. Thời kỳ cây nhỏ, yếu, rễ phân bố hẹp có thể xới sâu và rộng. Khi cây trưởng thành, hệ rễ phân bố rộng và sâu, lúc này xới hẹp và nông một chút.
Trong khi xới kèm theo thao tác vun đất vào gốc cây, tăng khả năng chống đổ của cây.
Đối với các loại rau, số lần xới vun cũng thay đổi, trung bình trong suốt thời gian sinh trưởng xới vun từ 2-3 lần vào các thời kỳ hồi xanh, thời kỳ cây bắt đầu sinh trưởng mạnh và vun cao khi cây đã sinh trưởng thành thục. Sau mỗi trận mưa mặt đất thường bị gí chặt nên cần xới xáo làm cho chất tơi xốp, thông thoáng
8. Phòng trừ sâu bệnh hại
Rau là loại cây bị nhiều loại sâu bệnh phá hại, gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất. Muốn phòng trừ có hiệu quả cần áp dụng nghiêm ngặt biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM). Trong đó cần dùng giống chống chịu điều kiện ngoại cảnh bất lợi và chống chịu sâu bệnh. Cần thực hiện chế độ luân canh hợp lý và chăm sóc cây khỏe để tăng tính chống chịu với sâu bệnh hại.
Khi sâu bệnh lây lan mạnh có thể sử dụng một số loại thuốc BVTV cho phép sử dụng trên rau và phải sử dụng đúng kỹ thuật. Trước khi thu hoạch 2 tuần ngừng sử dụng thuốc BVTV. Khuyến khích dùng bẫy bã để tiêu diệt sâu hại. Ngoài ra có thể nhân nuôi thiên địch thả vào vùng trồng rau./.
Thái Thơm
|