Hơn 20 năm sau khi thành lập, HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Can Lộc, Hà Tĩnh), đã khẳng định thương hiệu với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được khách hàng ưa chuộng và tin dùng. Những kết quả này có đóng góp quan trọng của Giám đốc “chân đất” Lê Vạn Hải, người dành nhiều tâm huyết với nông nghiệp sạch.
Nhận thấy địa phương có điều kiện tự nhiên ưu đãi, đất đai trù phú thích hợp cho sự phát triển của các loại cây ăn quả, sau khi trải qua nhiều lĩnh vực như thương mại dịch vụ, xây dựng, đường giao thông… Năm 2013, ông Lê Vạn Hải đã quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp hiện đại trong sự nghi ngờ về mức độ thành công của nhiều người, phản đối từ người thân gia đình.
Nghĩ là làm, sau khi nghiên cứu ông Lê Vạn Hải đã mua 30ha đất đồi hoang hóa vùng Khe Lang tại thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh và thành lập HTX Nông nghiệp Gia Phúc với ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi lợn liên kết và trồng cây ăn quả, vốn điều lệ 15 tỷ đồng với quyết tâm mang sản phẩm sạch, chất lượng ra thị trường và mục tiêu là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ông Hải cho rằng làm nông nghiệp hiện đại ngoài tính quy mô, cần phải lấy tiêu chí “sạch” làm đầu, dẫu biết rằng, sản xuất sản phẩm sạch sẽ tốn nhiều chi phí, phải cần thời gian dài để chuyển đổi từ tư duy đến phương thức sản xuất để người tiêu dùng thích nghi và chấp nhận.
Sau khi có đất, tận dụng các loại máy móc như máy đào, máu ủi thời kỳ làm xây dựng, giao thông, ông Hải đã tiến hành khai hoang phục hoá vùng đất của mình và bắt đầu trồng các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, cam, ổi, thanh long ruột đỏ, táo theo hình thức lấy ngắn nuôi dài. Sau 1 năm cây ổi và thanh long ruột đỏ, táo bắt đầu cho thu hoạch, sau 3 năm các loại cam bưởi cũng cho thu hoạch sản phẩm và để đảm bảo việc tiêu thụ được thuận lợi, ông Hải đã xây dựng cửa hàng chuyên bán các sản phẩm của HTX tại thành phố Hà Tĩnh. Khi các sản phẩm trong trang trại bắt đầu có nguồn thu, năm 2020, ông Hải bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất sạch. Để thực hiện đam mê của mình ông Hải đã mạnh tay chi hàng tỷ đồng để ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất như mời các chuyên gia Israel sang tận nơi chuyển giao lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ như: máy cày, máy bừa, máy xúc, máy làm cỏ, máy xới đất… với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng để giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao hiệu suất công việc, đồng thời hợp đồng với kỹ sư nông nghiệp có chuyên môn để bám sát hướng dẫn kỹ thuật cho HTX của mình. Mặt khác, để chủ động nguồn phân bón cho trang trại cây ăn quả, ông Hải đã liên kết với các công ty chăn nuôi gia công 1.200 con lợn nái.
Phần mềm được lập trình sẵn giúp HTX dễ dàng tưới nước và cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng
Xác định làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ gian nan vất vả hơn khi chi phí và công sức bỏ ra lớn hơn nhiều so với bón phân vô cơ, sử dụng thuốc BVTV hoá học, song với đam mê làm nông nghiệp sạch đã giúp ông Hải vượt qua những khó khăn ban đầu. Ông cho rằng làm nông nghiệp hữu cơ phải có một quy trình khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Bởi vậy, ông đã đầu tư hạ tầng, kỹ thuật nuôi giun quế để phục vụ sản xuất, quy trình được khép kín, phân từ trại lợn về sẽ cho giun quế ăn để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng, ngoài ra, ông Hải còn sử dụng cá, đậu nành, cám gạo, trái cây, men rượu… ủ với men vi sinh để bón bổ sung cho cây hoặc tạo thành chế phẩm sinh học, diệt trừ sâu bệnh hại.
Sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt
Ông Hải chia sẽ: Làm nông nghiệp hữu cơ điều đầu tiên là tính bền vững và muốn người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình trong sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ với 6 bước: Lựa chọn vùng trồng, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, kiểm định chất lượng, phân phối. Để có được chứng nhận hữu cơ, phải có thời gian “giải độc” môi trường khá dài, điều may mắn là chất đất tại vùng Khe Lang chưa tiếp xúc nhiều với phân hóa học. Bởi vậy, chỉ trong hơn 2 năm, chúng tôi đã giải độc thành công cho đất và luôn trung thành tuyệt đối với phân bón hữu cơ. Sau chục lần lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu cây, mẫu sản phẩm kiểm nghiệm cũng là bấy nhiêu lần chúng tôi được hun đúc thêm ý chí, quyết tâm để “chạm” tới khái niệm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Những nỗ lực bền bỉ đó đã cho kết quả bước đầu khi 7 sản phẩm của HTX gồm: cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi đã được Công ty CP chứng nhận và kiểm nghiệm FAO chứng nhận các sản phẩm được sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ vào tháng 9/2022 trên diện tích 25 ha.
Chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm của HTX
Sau không ít lần thất bại, cũng đã từng có suy nghĩ bỏ cuộc nhưng với tâm huyết và đam mê với nông nghiệp sạch thôi thúc ông làm đến cùng đã giúp ông có được thành công cho ngày hôm nay. Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong canh tác hữu cơ đã giúp các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Gia Phúc được tin dùng và bán với giá cao. Mỗi năm HTX Nông nghiệp Gia Phúc cho ra thị trường hơn 150 tấn bưởi da xanh, giá bán 30.000 đồng/kg và hơn 100 tấn cam giòn được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng - 55.000 đồng/kg, hơn 100 tấn táo, ổi với giá bán 20.000 – 25.000 đ/kg. Ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX đã phân phối tại nhiều tỉnh thành và vào hệ thống siêu thị BigC. Ngoài ra, với 1.200 con lợn nái liên kết, mỗi năm ông Lê Vạn Hải xuất ra thị trường khoảng 35.000 con lợn giống chất lượng. Trung bình HTX Nông nghiệp Gia Phúc thu về hơn 6 tỷ đồng/năm, với kết quả đó, năm 2024 ông Lê Vạn Hải, giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Chia sẽ với chúng tôi về những dự định cho tương lai, ông Lê Vạn Hải cho biết, đầu tiên HTX sẽ thuê đơn vị tư vấn đánh giá lại và cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm của HTX. Cùng với đó, với địa hình đẹp, kết cấu đồi núi gắn với đồng ruộng, lòng hồ chúng tôi đang theo đuổi ý tưởng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Khi đến đây, du khách sẽ trải nghiệm sự giao hòa, gần gũi với thiên nhiên, vừa thưởng thức các loại trái cây đạt chuẩn hữu cơ, vừa trải nghiệm bắt cá và ăn các món nướng như gà, cá.
Nhìn trang trại đẹp như tranh, được quy hoạch bài bản trên diện tích 30 ha với hơn 15.000 cây ăn quả trù phú mới thấy được ý chí và quyết tâm của ông giám đốc HTX; bởi sau hơn 20 năm nỗ lực không nghỉ của ông Hải và các thành viên, vùng đất cằn sỏi đá Khe Lang (thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga) ngày nào đã khẳng định được thương hiệu của mình và mang lại hiệu quả kinh tế cao./.
Đặng Thị Thuận |