Anh Kiều Ngọc Bính ở thôn Yên Nam, Xuân Yên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã ứng dụng công nghệ làm mát trong quy trình trồng và sản xuất nấm, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Sau hơn 10 năm bôn ba ở nước ngoài, tìm kiếm công ăn việc làm, mong mang lại thu nhập cho gia đình, anh Kiều Ngọc Bính trở về quê hương ở thôn Yên Nam, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân để phát triển sản xuất trên mảnh đất quê hương. Tháng 4/2023, với diện tích đất hơn 1.000 m2 của gia đình, anh Bính đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng cơ sở trồng nấm với 3 khu sản xuất (nhà tạo phôi, nhà sấy phôi và nhà trồng).
Khi được hỏi về cơ duyên tại sao lại chọn nghề trồng nấm. Anh Bính cho hay: Khi vợ chồng tham gia xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, vợ mình có làm việc cho một cơ sở trồng nấm nên có chút kinh nghiệm. Hơn nữa hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng luôn muốn hướng đến sản phẩm sạch, mà nấm lại là một loại rau sạch nhất trong các loại rau.
Để có thêm kinh nghiệm về trồng nấm, vợ chồng anh Bính đã “khăn gói” đi tham quan thực tế tại các mô hình trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Sau đó, anh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam học hỏi thêm về kỹ thuật, đồng thời mua 10.000 phôi giống về sản xuất. Loại nấm anh Bính chọn trồng là nấm sò. Nấm sò (hay còn gọi nấm bào ngư) vừa là nấm ăn, vừa là nấm dược liệu giàu dinh dưỡng, được ưa chuộng trong chế biến món ăn hàng ngày, giá cả lại vừa phải, là lựa chọn hợp lý cho người tiêu dùng. Nấm sò có thể trồng quanh năm, tuy nhiên thời điểm thích hợp nhất là tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau. Lúc này, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây nấm, mang lại năng suất cao.
Nấm sò có thể trồng trên nhiều loại giá thể như: mạt cưa, rơm rạ, bã mía … Nguyên liệu giá thể đạt yêu cầu được cho vào túi nilon. Bịch giá thể sau khi đóng gói sẽ được thanh trùng bằng hơi nhiệt. Quá trình này tiêu diệt vi khuẩn, mầm bệnh còn sót lại, giúp nấm phát triển khỏe mạnh trên cơ chất. Sau khi thanh trùng, đem bịch nấm vào phòng cấy meo, nhét bông tại cổ bịch. Sau đó, chuyển các bịch giá thể đã cấy giống vào phòng ươm, xếp lần lượt lên kệ, giá. Giai đoạn này không tưới nước, ánh sáng yếu. Trường hợp thời tiết quá nóng, nhiệt độ bên trong tăng cao, có thể tưới nước lên vách hoặc nền, mái nhà để hạ nhiệt. Thời gian nuôi sợi khoảng 30 ngày. Sau thời gian ươm, sợi nấm phủ trắng bịch, lúc này chuyển bịch nấm sang nhà trồng.
Bịch nấm được treo thành xâu
Trong nhà trồng nấm, nấm được treo thành xâu, đầu quay xuống dưới hoặc sang ngang. Bịch cuối cùng cách mặt đất 30 - 50cm. Mỗi một dây treo được 5 - 10 bịch. Cứ 1 bịch lại thắt nút một lần để bịch nấm không bị rơi. Tiến hành rạch 4 - 5 đường, mỗi đường dài 3 - 4cm lên các bịch, không nên rạch sát đáy hoặc sát miệng. Nấm sẽ mọc ra xung quanh thân bịch. Quá trình chăm sóc nấm quan trọng là khâu tưới nước. Nước tưới cho nấm sò phải là nước sạch, không bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm phèn, mặn. Tưới dạng phun sương đều đặn ngày 3 - 4 lần. Nấm sò có thể thu hoạch thì quả thể đạt kích thước 5 - 6cm.
Mặc dù quy trình trồng nấm tương đối dễ làm, tuy nhiên thời tiết ở Hà Tĩnh có những giai đoạn không thích hợp cho việc phát triển của cây nấm, năng suất nấm không đạt như mong muốn. Anh Bính quyết định đầu tư Hệ thống làm mát nhà xưởng là dùng quạt hút công nghiệp kết hợp tấm làm mát cooling pad.
Hệ thống làm mát giúp điều hòa nhiệt độ nhà sản xuất
Anh Bính chia sẻ: Hệ thống làm mát là dùng hệ thống bơm nước tuần hoàn để nước chảy từ đỉnh của màng nước qua các vân lượn sóng đến phần dưới của màng tạo thành tấm màng nước khi không khí xuyên qua màng nước trở thành khí lạnh (đi vào nhà sản xuất), kết hợp với quạt hút công nghiệp ngược áp nhanh chóng đưa gió mát vào nhà sản xuất. Do đó, hiệt độ trong khu sản xuất luôn thấp hơn nhiệt độ mọi trường 5 - 100C.
Mỗi ngày, anh Bính thu hoạch từ 30 - 40 kg, với giá bán 40 - 50 nghìn đồng/kg, doanh thu bình quân 1,2 triệu đồng/ngày
Nhờ vậy, nấm do cơ sở của anh Kiều Ngọc Bính sản xuất, phát triển tốt, mỗi bịch phôi nấm được khoảng 0,5 - 0,7 kg, có thể cho thu hoạch 10 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 - 20 ngày. Mỗi ngày, anh Bính thu hoạch từ 30 - 40 kg, với giá bán 40 - 50 nghìn đồng/kg, doanh thu bình quân 1,2 triệu đồng/ngày. Sản phẩm nấm sò của anh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có vị ngọt, mùi thơm và độ dai nên rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thương lái và người tiêu dùng mua tận nơi. Không chỉ bán nấm thương phẩm mà anh còn cung cấp phôi nấm cho người dân khi có nhu cầu mua về trồng.
Ông Kiều Đình Công - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Yên khẳng định: Việc đầu tư hệ thống máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến giúp anh Bính có thể hoàn toàn chủ động trong sản xuất, điều chỉnh được lượng nấm theo nhu cầu khách hàng và cho thu hoạch quanh năm. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế. Chính quyền xã tích cực hỗ trợ anh Bính chế biến sản phẩm nấm sò đạt tiêu chuẩn OCOP, tạo được thương hiệu sản phẩm nấm sạch, mang dấu ấn riêng của địa phương./.
Trần Hà
|