Đức Thọ là vùng đất được thiên nhiên ban tặng, ưu đãi, sản xuất nông nghiệp là một trong những huyện đứng đầu của cả tỉnh, nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng của vùng miền trong đó phải nói đến đặc sản bánh gai thị trấn Đức Thọ, nhưng chiếc bánh được làm ra thơm, dẻo đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với cái vị lá gai, gạo nếp và mật mía, thêm vị bùi của đậu xanh, bùi của dừa khô…
Nguồn nguyên liệu làm bánh gai rất dồi dào chủ yếu được sản xuất thu mua trong địa phương như: gạo nếp, đậu xanh, lá gai, mật mía, dừa khô, dầu chuối, lá chuối khô... Nguyên liệu chính làm nên đặc trưng lên của chiếc bánh là lá gai, quy trình làm bánh khá công phu và tỉ mĩ, đòi hỏi người làm bánh phải có tâm trong mỗi công đoạn để ra được một chiếc bánh ngon, thơm, dẻo.
Cây lá gai được trồng trong vườn nhà
Khi chúng tôi đến tham quan gia đình bà Nguyễn Thị Đoài, tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ là một trong những hộ lành nghề làm bánh lâu năm và đầy kinh nghiệm chia sẻ: để làm nên một chiếc bánh gai cần có những nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, không ẩm mốc, có chọn lọc, đặc trưng chế biến đó chính là vị của cây lá gai mà không phải địa phương nào cũng có. Quy trình làm bánh thì khá nhiều công đoạn, trong pha chế khó nhất là tỷ lệ gia giảm nguyên phụ liệu, thời gian đồ bánh… Đó là những bí quyết, chỉ có các gia đình làm bánh gai ở thị trấn Đức Thọ nắm giữ truyền thống từ xưa đến nay không phai mờ trong mỗi ký ức của các hộ làm bánh.
Cây gai trước đây là loài cây mọc hoang dã và dọc hai bên bãi bồi ven sông La để cung cấp hàng ngày đủ 1 lượng nguyên liệu lớn người dân nơi đây còn tranh thủ đưa giống cây gai về ươm trồng trong vườn nhà. Có lẽ bởi đất phù sa ở đây màu mỡ mà cây nào cũng tươi tốt, lá to và xanh mơn mởn. Đến độ làm bánh, lá gai được hái về làm sạch, chọn những lá lành lặn, bỏ cuống. “Nếu không có lá gai sẽ không tạo nên vị của bánh gai, bởi lá gai sẽ tạo mùi thơm đặc trưng và độ dẻo cho bánh, chỉ cần có một chút lá gai hòa với nếp là sẽ có độ thơm khác biệt đặc trưng riêng biệt của chiếc bánh”. Nguyên liệu nếp và đậu cũng được mang đi vo sạch và ngâm. Sau đó sẽ là công đoạn lau, chọn lá chuối khô. “Lá gai sau khi ép, sẽ được xay nhuyễn, cùng với đó cho bột nếp được xay mịn và một ít mật mía để tạo độ ngọt cho bánh, tiếp tục cho vào máy xay đến lúc dẻo dai và màu đen đều. Nếu không phải thợ làm bánh chuyên nghiệp thì rất dễ để bột bị nhão hoặc khô quá, do lượng mật mía cho vào không thích hợp”. Nhân bánh đươc làm từ đậu xanh sẽ được vớt ra và mang đi hấp 20-30 phút trên nồi cách thủy. Tiếp đó, đậu sẽ được mang ra giã nhuyễn cùng một chút đường, dừa khô và dầu chuối tăng mùi hương cho bánh. Từ đây, nhân sẽ được vắt tròn từng viên và sau đó sẽ được bọc bởi hỗn hợp bánh.
Bình quân mỗi ngày các gia đình sản xuất từ 1.000 – 4.000 chiếc bánh tùy vào lượng khách đạt hàng
Những chiếc bánh gai được chế biến sẽ có dạng tròn nhằm đảm bảo giữ trọn được nhân bánh. Khi công đoạn sơ chế đã xong bánh sẽ được gói bởi 4-6 miếng lá chuối, giúp bảo vệ chất lượng chiếc bánh được lâu hơn, nguyên vẹn hơn, tránh để bánh phì ra ngoài, được thắt lại bằng dây buộc chặt. Những chiếc bánh làm xong được mang đi hấp ở nồi cách thủy từ 1-2 tiếng. Làm bánh đòi hỏi phải cận thận trong từng công đoạn đến lúc hấp bánh càng được chú trọng, để ý kĩ từ nhiệt độ cho đến thời gian. Tránh việc bánh chín chưa tới hoặc chín quá ảnh hưởng đến chất lượng bánh không ngon.
Sản phẩm bánh gai chất lượng và đạt tiêu chuẩn yêu cầu đầu tiên phải vừa dẻo, vừa mịn, thơm mùi đặc trưng từ lá chuối. Mùi lá gai tỏa ra thoang thoảng hòa quyện cùng mùi dầu chuối, quyện với mật mía và gạo nếp, thêm vị bùi nhân đậu xanh và cùi dừa chính là sự kết hợp hoàn hảo cho chiếc bánh gai Đức Thọ thêm những nét đặc trưng riêng biệt. Bình quân mỗi ngày các gia đình sản xuất từ 1.000 – 4.000 chiếc bánh tùy vào lượng khách đạt hàng từng ngày để sản xuất. Để sản xuất 1000 chiếc bánh gai phải sử dụng hết 40kg gạo nếp,10kg đậu xanh, 7kg lá gai và các nguyên liệu khác như: mật mía, dầu dừa…Công đoạn cuối cùng khi bánh chín sẽ được xếp vào các thùng xốp để chuyển tới các cơ sở bán lẻ, các cửa hàng và các đơn đạt hàng trong và ngoài tỉnh. Mỗi chiếc bánh gai với giá 4.000đ/bánh, sau khi trừ các khoản chi phí, người sản xuất lãi 500đ/bánh. Giải quyết công ăn việc làm cho các hộ dân ở địa phương, tăng thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Với những chiếc bánh gai mang đậm hương quê đã có truyền thống từ lâu, xây dựng thương hiệu được nhiều người khắp mọi miền quê biết đến đã tạo công ăn việc làm cho các hộ dân thị trấn Đức Thọ lưu giữ, tiếp nối giá trị sản phẩm giữ vững truyền thống ngày càng phát triển.
Nguyễn Thị Lý
|