Với mong muốn lưu giữ làng nghề truyền thống và đưa chổi đót Hà Ân ngày càng phát triển đi lên, khẳng định thương hiệu trên thị trường, ông Lê Tiến Dũng - Chi hội trưởng chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách để lưu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Bén duyên với nghề từ thuở nhỏ, có nhiều kinh nghiệm, có kỹ thuật cao, ông Dũng luôn tìm tòi học hỏi, đổi mới để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để chổi đót đứng vững trên thị trường và ngày càng phát triển. Trong suy nghĩ của ông Dũng để có được một chiếc chổi đót bền, đẹp thì phải trãi qua nhiều công đoạn, khâu xử lý nguyên liệu, sự khéo léo của đôi tay người thợ. Vận dụng kinh nghiệm làm chổi đót được truyền lại bao đời của làng Hà Ân cùng với bản tính chịu thương chịu khó, ông tìm tòi học hỏi để đổi mới cách thức làm chổi đót đẹp hơn, bền hơn. Vì vậy, dù trải qua bao thăng trầm, sự lấn át của các sản phẩm hiện đại nhưng chổi đót của ông vẫn đứng vững trên thị trường và ngày càng được khách hàng ưa chuộng và tin dùng.
Muốn có một cây chổi đót bền, đẹp thì chất lượng đót là yếu tố đóng vai trò quyết định, nên ông Dũng thường đặt mua đót chất lượng tốt với số lượng lớn để chủ động dự trữ nguyên liệu dùng cả năm. Nguyên liệu chính để làm chổi là cây đót, dây mây hoặc dây nhựa, trước đây, cây đót có thể được đi lấy từ các vùng núi Hồng Lĩnh, Thạch Hà nhưng hiện nay nguồn nguyên liệu chủ yếu phải nhập từ Lào hoặc các tỉnh miền núi phía bắc. Đót sau khi đưa về được xé nhỏ rồi buộc thành từng lọn nhỏ, các lọn sau khi bó xong sẽ được ghép lại với nhau, sau đó dùng dây cước, dây kẽm cố định. Giữa các lọn không có khe hở, đường dây đan thẳng, chổi cầm lên cho cảm giác chắc chắn, các lọn gắn kết với nhau thành một khối thống nhất. Sản phẩm hoàn thiện khi cầm phải chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót, khi quét không bị rụng bông đót li ti.
Để làm được một cái chổi đót cần rất nhiều công đoạn vì vậy những thành viên trong gia đình đều chia nhỏ phần công việc để cùng làm
Trong quá trình sản xuất, ông Dũng đã tự chủ động nghiên cứu, điều chỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nhiều chủng loại như chổi cán mây, chổi cán nhựa, chổi dây cước. Khi đã có sản phẩm phù hợp với mong muốn, bản thân ông đã trực tiếp đem sản phẩm đi bán để vừa mở rộng thị trường vừa lắng nghe các ý kiên góp ý, phản hồi của người mua để tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Sau khi sản phẩm đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, ông Dũng tiếp tục thực hiện bước tiếp theo là mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tăng giá trị sản xuất và để đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, năm 2019, ông Dũng đã đứng ra thành lập Chi hội Nghề nghiệp chổi đót Hà Ân do ông làm Chi hội trưởng. Chi hội hiện có 12 gia đình với khoảng 30 lao động và ông Dũng là người đứng ra chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu, bao tiêu sản phẩm. Với tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề của mình, ông Dũng đã động viên, khuyến khích, hỗ trợ các thành viên khác chăm lo sản xuất để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Sản phẩm chổi của các thành viên sau khi làm xong được ông nhập cho các đại lý trên địa bàn tỉnh và các các tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa, Quãng Bình,... Trung bình mỗi năm ông Dũng xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 nghìn chổi đót, doanh thu hơn 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận ròng khoảng 300 triệu đồng.
Ông Dũng chia sẽ: Nghề làm chổi đót ở làng Hà Ân được cha truyền con nối từ bao đời nay, tôi bắt đầu theo nghề từ năm 10 tuổi đến nay đã hơn 50 năm, nghề này từ người già đến trẻ nhỏ, những ai sinh ra từ làng đều biết làm chổi đót. Bên cạnh làm nông nghiệp, chổi đót cũng được bà con làm quanh năm, tuy là nghề phụ nhưng lại mang nguồn thu nhập chính cho các hộ dân nơi đây. Một người có tay nghề tốt sẽ làm được khoảng 30 - 50 chiếc chổi mỗi ngày, thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể làm chổi đót những lúc nhàn rỗi
Những năm gần đây, với nhiều chính sách của tỉnh, địa phương về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, nghề làm chổi đót lại có điều kiện mở rộng sản xuất. Hiện nay, Hà Ân là làng làm chổi đót nổi tiếng của Hà Tĩnh với gần 200 hộ dân theo nghề, đi dọc các tuyến đường ở thôn Hà Ân, đâu đâu cũng thấy người dân ngồi quây quần bên nhau, tay thoăn thoắt bó những chùm chổi đót, tay làm miệng nói, không khí rôm rả, ấm áp cả một vùng quê. Và những người như ông Lê Tiến Dũng, với 65 tuổi đời, gần 1/2 thế kỷ gắn bó với nghề làm chổi đót đã góp phần lưu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Không chỉ chịu khó trong làm ăn, trách nhiệm trong giữ nghề mà ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ quỹ khuyến học ở địa phương, làm đường điện thắp sáng làng quê… Với những kết quả đạt được, năm 2023, ông Dũng được bình chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của huyện.
Đặng Thị Thuận
|