Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Chu trình khép kín này giúp quản lý và tái tạo tài nguyên, hạn chế tối đa lượng phế thải, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm. Đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Đầu năm 2023, sau khi đi tham quan các mô hình chăn nuôi tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm, ông Võ Văn Thắng ở thôn Hoa Thám, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã ấp ủ triển khai mô hình để phát triển kinh tế gia đình; với lòng quyết tâm và được quan tâm, động viên từ UBND xã ông được tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức về quy trình chăn nuôi tuần hoàn và hỗ trợ một phần kinh phí của địa phương cùng số vốn của gia đình quyết tâm khởi nghiệp bằng việc áp dụng quy trình chăn nuôi tuần hoàn.
Với lợi thế diện tích vườn đồi rộng, ông Thắng đã quy hoạch lại theo từng khu vực riêng biệt gồm khu vực chăn nuôi bò, lợn, nuôi gà, vịt, giun quế và khu vực trồng cây phù hợp nhằm tận dụng tối đa nhất không gian vườn. Sau khi quy hoạch, ông tiến hành xây dựng hệ thống chuồng trại và thả nuôi 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 30 con bò và 300 con gà, vịt. Để có nguồn thức ăn hữu cơ phục vụ chăn nuôi, ông Thắng trồng hơn 1 ha lạc, khoai lang và cây chuối, cỏ,… đồng thời xây dựng chuồng thả nuôi giun quế và tân dụng hết nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của gia đình. Lượng chất thải từ chăn nuôi bò, lợn được sử dụng để nuôi giun quế, đồng thời sử dụng giun quế để làm thức ăn cho gà, vịt, phân giun quế được sử dụng để trồng lạc, khoai lang, chuối, cỏ,… các loại cây này được sử dụng để làm thức ăn cho bò, lợn. Với mô hình này, gia đình ông Thắng chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, giảm chi phí đầu tư.
Tham quan mô hình chăn nuôi lợn tuần hoàn của gia đình ông Thắng
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện mô hình đã đạt được những kết quả cao, theo tính toán ông Thắng cho biết, mỗi năm gia đình xuất bán 2 lứa lợn thịt, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng và thu nhập từ chăn nuôi bò, gà, vịt khoảng 100 triệu. Đặc biệt, gia đình ông Thắng không phải lo đầu ra sản phẩm khi được các cửa hàng thực phẩm sạch đặt hàng từ đầu vụ sản xuất.
Ông Thắng chia sẽ: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chỉ giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, không những nâng cao giá trị sản xuất mà còn giải quyết được bài toán về môi trường. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại để chăn nuôi lợn và giun quế.
Nuôi giun quế xử lý chất thải chăn nuôi lợn, bò và tạo nguồn thức ăn cho đàn gà
Theo chúng tôi được biết, tại xã Cẩm Lạc, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khá cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải chăn nuôi. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi vẫn hạn chế, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xử lý chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường còn nhiều; năng lực tái chế, tái sử dụng các chất thải chăn nuôi còn bất cập; các doanh nghiệp thu mua chất thải chăn nuôi còn ít, mới chỉ dừng lại trong việc tái sử dụng cho cây trồng của chính các chủ trang trại. Vì vậy việc phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn tại xã Cẩm Lạc đang mở ra hướng đi mới giúp giải quyết các vấn đề trên và mang lại hiệu quả cao cho các hộ dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc cho biết: Để triển khai các mô hình chăn nuôi tuần hoàn trên địa bàn, chúng tôi hỗ trợ người dân về kỹ thuật và một phần chi phí sản xuất. Các mô hình dựa trên nền kỹ thuật chăn nuôi cải tiến kết hợp với chăn nuôi truyền thống giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.
Cũng theo ông Dũng, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn không chất thải. Cùng với đó, xã cũng sẽ đánh giá hiệu quả các mô hình để tiếp tục nhân rộng trên toàn địa bàn, góp phần đưa nông nghiệp phát triển bền vững.
Chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, với sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, phát triển theo hướng hàng hoá tập trung đó là hướng đi vững chắc, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà còn góp phần bảo vệ và tái sinh môi trường.
Kiều Thơ |