Sau hơn 5 năm du nhập, cây bưởi Diễn đã bắt đầu “làm quen” với môi trường mới ở xã Tân Hương, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Nhận thấy hiệu quả lớn từ loài cây này, tháng 10/2016, Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) cùng người dân thực hiện trồng bưởi với kỳ vọng 3 năm sau, loài cây đặc sản sẽ trở thành sản phẩm chủ lực làm giàu cho nhiều hộ dân.
Ông Nguyễn Bá Bạt (thôn Tân Thành) bên 2 cây bưởi mỗi năm cho sản lượng cao.
Cuối năm 2011, con trai ông Nguyễn Bá Bạt (thôn Tân Thành) khi ấy là sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I mang về tặng bố 3 cây bưởi Diễn. Ông Bạt đưa 3 cây trồng trong vườn, đều sinh trưởng tốt. “Từ năm thứ 4 cây bắt đầu cho quả và đến nay đạt sản lượng không dưới 250 quả/năm” - ông Bạt cho biết.
Cũng trồng thử vài cây bưởi Diễn, anh Phùng Xuân Việt (thôn Tân Lộc) không ngờ hiệu quả lại cao như thế. Anh Việt cho biết: “Bưởi Diễn có mức giá trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/quả”.
Không chỉ có chất lượng, giá cao, ưu thế nổi bật nhất - theo Chủ tịch UBND xã Tân Hương Trần Văn Lượng - là ở chỗ bưởi thu hoạch vào đúng dịp tết âm lịch, dễ tiêu thụ. Sau nhiều năm “làm quen”, loài cây này rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Tân Hương. Bên cạnh cho giá trị kinh tế cao, còn góp phần xóa bỏ vườn tạp.
Việc đưa bưởi Diễn về đất Tân Hương trở thành chủ trương và là mục tiêu trong phát triển kinh tế của xã, được nhân dân đồng thuận cao. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ, không những không phát huy được hiệu quả mà có khi còn để lại nhiều hệ lụy. Tháng 10/2016, dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo vào cuộc, giúp xã Tân Hương tháo gỡ khó khăn trong việc đưa bưởi Diễn về trồng.
Cuối tháng 10/2016, Tổ hợp tác Trại Cau (Tân Hương) trồng và phát triển chuỗi giá trị bưởi Diễn dưới sự hỗ trợ của SRDP được thành lập với 30 thành viên, trong đó, 60% là đối tượng nghèo và cận nghèo. Dự án có tổng mức đầu tư trên 621 triệu đồng (các thành viên đóng góp trên 420 triệu đồng, còn lại do SRDP đảm nhận). Tháng 11/2016, 1.400 gốc bưởi Diễn được triển khai trồng tập trung trên diện tích 3,5 ha, đến nay đều sinh trưởng tốt. Đáng nói là ở khu vực trồng bưởi Diễn, người dân không để đất “nghỉ”, có thể trồng xen canh các loại cây khác như: đậu, lạc, vừng (chỉ 3 năm đầu khi bưởi chưa ra quả).
Mặc dù kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đã được SRDP trang bị đầy đủ, tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cũng lưu ý bà con cần cung cấp đủ nước tưới, đảm bảo dinh dưỡng theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây, đặc biệt là giai đoạn ra hoa, kết trái. Theo tính toán, nguồn thu nhập từ bưởi Diễn sẽ đạt xấp xỉ 45 triệu đồng/hộ (trên diện tích 1.300 m2) sau khi thực hiện dự án đầu tư thay vì 5-7 triệu đồng như trước đây.
Với sự giúp đỡ của SRDP và chính quyền địa phương, người dân không còn canh cánh nỗi lo đầu ra cho sản phẩm. Theo khẳng định của Chủ tịch UBND xã Tân Hương Trần Văn Lượng: “Biên bản ghi nhớ tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân đã được ký kết”.
Trong tương lai gần, người Hà Tĩnh nói chung không chỉ được thưởng thức thêm một đặc sản mới mà đó còn là cơ hội làm giàu cho nông dân Tân Hương nói riêng từ việc trồng bưởi Diễn.
Hoài Nam/Baohatinh.Vn