Theo cách hiểu phổ biến, khuyến nông gắn với huấn luyện, hướng dẫn người nông dân cách làm sao để đạt năng suất tốt hơn, giúp nâng cao thu nhập cao hơn. Khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản.
Khi ngành nông nghiệp đang đứng trước sự thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi tư duy phát triển, cách hiểu này có mô tả đầy đủ về phần việc của những người đảm trách công tác khuyến nông, có phác thảo khái quát về sứ mệnh của đội ngũ, bộ máy khuyến nông không? Nhất là như lời nhắn gửi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm trong mọi hoạt động của ngành nông nghiệp”, công tác khuyến nông cần xoay quanh người nông dân.
Trước khi bắt tay vào bất cứ công việc nào, cán bộ khuyến nông cần đặt mình vào vị trí của người nông dân để nắm bắt nhu cầu, thấu hiểu cảm xúc. Công tác khuyến nông không phải là tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật chúng ta biết, mà là cung cấp, giới thiệu những điều người nông dân cần.
Công tác khuyến nông cần đến những cán bộ chịu khó tìm tòi, tiếp cận các phương pháp chuyển giao bền bỉ, thuyết phục, sẵn lòng cầu thị, lắng nghe ý kiến, phản hồi từ người nông dân để liên tục cập nhật, điều chỉnh. Công tác khuyến nông không ngừng trăn trở về câu hỏi: “Những yếu tố nào đem đến thành công cho người nông dân?”.
Kiến thức giỏi giúp tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, để thu về sản lượng nhiều nhất, lợi nhuận cao nhất. Kỹ năng bài bản, giúp tối ưu hoá năng suất lao động, để giảm thiểu chi phí nhân công. Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng thôi chưa đủ, chính thái độ trong công việc và cuộc sống mới có ý nghĩa quyết định.
Khi người nông dân lạc quan, vững niềm tin mình có thể làm được, nhất định làm được, công tác khuyến nông sẽ gặp nhiều thuận lợi. Khi người nông dân bi quan, thiếu niềm tin vào chính mình, niềm tin với cộng đồng, công tác khuyến nông khó lòng được triển khai sâu rộng.
Thái độ tích cực giúp người nông dân hiểu được sức mạnh, tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác. Thái độ tích cực khơi gợi ở người nông dân tinh thần nghĩ khác, làm khác, dám xác lập những mục tiêu dài hạn hơn, lớn lao hơn.
Thái độ tích cực trui rèn người nông dân sự nhẫn nại, kiên trì, không bỏ cuộc giữa chừng. Thái độ tích cực định hình người nông dân với tâm thế tự chủ, nhận lĩnh trách nhiệm, quyết chí vươn lên, đóng góp cho cộng đồng.
Thay đổi nhỏ, kết quả lớn. Mỗi sự thay đổi từ mỗi người nông dân có sức lan toả sâu rộng đến cộng đồng dân cư nông thôn. Không riêng lẻ một mình, người nông dân quây quần bên họ hàng dòng tộc, chòm xóm láng giềng, và cộng đồng dân cư.
Không sản xuất một mình, người nông dân còn biết đến ruộng trong, ruộng ngoài, vườn trên vườn dưới. Không canh tác nhỏ lẻ, người nông dân dần bước ra khỏi quan niệm “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”.
Do vậy, công tác khuyến nông cần khuyến khích tinh thần hợp tác, chia sẻ của mọi người. Công tác khuyến nông cần chú trọng yếu tố tổ chức cuộc sống cộng đồng. Công tác khuyến nông cần quan tâm đến việc hình thành những không gian sinh hoạt cộng đồng, khơi gợi những sáng kiến từ người nông dân.
Từ trước đến nay, khi nói về nông nghiệp thì thường nghĩ đến chuyện trồng trọt, chăn nuôi, hay rộng ra là chuyện mang yếu tố kỹ thuật. Song, nông nghiệp gắn liền với nông dân, gắn liền với văn hoá làng xã, gắn liền với xã hội nông thôn.
Vì thế, người làm khuyến nông không chỉ am tường kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, mà cần có tri thức bao quát về văn hoá, xã hội, đặc điểm tâm lý, tập quán của cộng đồng... Như thế, cán bộ khuyến nông mới tập hợp được cộng đồng, tổ chức đời sống nông thôn, trước khi giới thiệu tiến bộ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật đến người nông dân.
Với tầm nhìn dài hạn hơn, bên cạnh những công việc đang được thực hiện tốt, ngành khuyến nông cần tham khảo những mô hình hoạt động hiệu quả, từng bước điều chỉnh cách thức tiếp cận theo hướng đa chức năng, đa mục tiêu.
Cùng với các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, cán bộ khuyến nông tham gia cải thiện nếp sống nông thôn, chú ý vai trò giáo dục nông nghiệp, như: tư vấn canh tác, giảm thiểu chi phí, sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng.
Song song với việc cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu, thị hiếu, xu thế tiêu dùng, cần hỗ trợ người nông dân ghi chép, thống kê chi phí sản xuất, cùng thảo luận, đề xuất giải pháp điều chỉnh tại các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Thêm vào đó, nguồn lực dành cho công tác khuyến nông có thể được xã hội hoá nhờ vào hợp tác công tư, kết nối khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông của các đơn vị nghiên cứu khoa học.
Khuyến nông, suy cho cùng là giới thiệu, khuyến khích người nông dân về cách làm nông tiên tiến, hiệu quả. Muốn khuyến khích người nông dân, thì trước nhất, đội ngũ đảm trách công tác khuyến nông cần trọn vẹn đam mê với công việc. Gần gũi, kề cạnh người nông dân, mỗi cán bộ khuyến nông cần kiên nhẫn và thấu hiểu, luôn sẵn lòng cùng ăn, cùng nghĩ, cùng làm.
Trên tất cả, sứ mệnh của khuyến nông chính là chiếc cầu nối người nông dân với khoa học, kỹ thuật sản xuất, canh tác tối ưu, mở ra cơ hội mới, tạo dựng giá trị bền vững cho nghiệp nông gia.
Người làm công tác khuyến nông cần lúc nào cũng đau đáu câu: “Tôi sinh ra ở nông thôn. Bố mẹ tôi là nông dân”. Khuyến nông cần có tinh thần cao hơn trách nhiệm, đó chính là bổn phận!
Theo NNVN
https://nongnghiep.vn/cau-chuyen-khuyen-nong-d307155.html