Cây dưa bở (Cucumis melo var. conomon) là một loại cây ăn quả thuộc họ bầu bí, được ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, dễ trồng và giá trị kinh tế cao. Sau đây là hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dưa bở để đạt năng suất và chất lượng tốt nhất.
1. Giống
- Một số giống dưa bở hiện nay: dưa bở cao sản, dưa bở thơm vàng số 1, dưa bở Thái Lan
2. Thời vụ
Dưa bở thường trồng vào vụ Xuân, Xuân Hè, bắt đầu từ 20/3 đến 5/5.
3. Ươm cây giống
Dưa bở có thể gieo trực tiếp ra ruộng hoặc ươm cây giống để trồng. Nếu gieo hạt trực tiếp trên đồng ruộng thì mỗi ha cần 1,5-2 kg hạt; Gieo bầu đất trước chỉ cần 0,5 kg hạt giống.
- Ủ hạt: Ngâm hạt giống trong nước ấm 4 - 5 tiếng (2 sôi - 3 lạnh), sau đó đem ủ vào khăn ấm trong vòng 1 ngày để hạt nứt nanh.
- Gieo thẳng: Gieo hạt đã nứt mầm, sau 2 - 3cm, lấp hạt với tro trấu hay đất bột, sau gieo tưới đẫm (tránh để hạt tiếp xúc với phân bón).
- Gieo bầu: Gieo hạt trong bầu thuận tiện cho việc chăm sóc cây con, tiết kiệm hạt giống và có thời gian chuẩn bị đất trồng.
Gieo cây giống trong bầu, giá thể dùng để gieo là: 40% đất phù sa + 45% (xơ dừa, trấu hun) + 15% (mùn mục) + (5 gam đạm + 15 gam supelân)/100 kg hỗn hợp (giá thể này cũng thường được sử dụng để sản xuất cây giống dưa hấu, dưa lê …).
4. Làm đất, trồng cây
- Chuẩn bị đất: Nếu trồng trên đất ruộng lúa, nên làm đất sau khi thu hoạch lúa. Dọn sạch cỏ dại và tàn dư thực vật, cày 1 lượt, bừa 1 - 2 lượt rồi lên luống.
- Lên luống: Luống rộng 2,5 - 3m cho luống đơn và 4,5 - 6m cho luống đôi. Mương tưới nước rộng 30 - 40cm, sâu 40cm, bố trí hướng Đông Tây để cây nhận được nhiều ánh sáng.
- Khoảng cách, mật độ: 2,3 - 2,5m x 0,5-0,6m, mật độ 500 - 600 cây/sào.
- Cách trồng: Cây con có 2 - 3 lá thật thì đem trồng. Đặt bầu cây vào lỗ đục sẵn, lấp đất và nén chặt xung quanh (tránh làm vỡ bầu). Sau trồng tưới đẫm nước.
5. Bón phân
* Lượng phân bón: cho 1 sào 500m2
400kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh thay thế (30kg) + 12-13kg u rê + 12kg kali + 25-30 kg supe lân.
* Cách bón
- Bón lót: toàn bộ phân chuồng và 1,5kg urê + 1,5 kg kali.
- Bón thúc:
+ Lần 1: Sau trồng 10 - 12 ngày, bón 2,5 - 3kg Urea + 2,5 - 3kg Kali
+ Lần 2: Sau trồng 18 - 20 ngày, bón 3 - 3,5kg Urea + 3 - 3,5kg Kali
+ Lần 3: Khi đậu quả rộ, bón toàn bộ lượng phân còn lại.
6. Bấm ngọn, tỉa nhánh, để quả, tưới nước
- Bấm ngọn, tỉa nhánh, để quả: Bấm ngọn thân chính khi cây có từ 4 - 5 lá, mỗi cây chỉ nên để 2 - 3 nhánh cấp 1.
Việc tỉa nhánh, bấm ngọn, để quả nên thực hiện vào buổi sáng tránh tạo cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập qua vết thương.
- Tưới nước, giữ ẩm:
+ Phủ luống bằng rơm/rạ sau trồng để giữ ẩm cho cây.
+ Cần đảm bảo đủ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Đặc biệt giai đoạn ra hoa, đậu quả và thời kỳ lớn của quả.
7. Phòng trừ dịch hại
Áp dụng Chương trình Quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Hạn chế sử dúng thuốc BVTV hóa học, cần thiết sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, chỉ phun thuốc khi cần thiết và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
Biện pháp phòng tích cực là chọn các giống dưa bở có tính kháng bệnh khỏe, gieo trồng luân canh với lúa nước và xử lí đất bằng thuốc diệt nấm trước khi trồng.
Một số bệnh thường gặp
- Bệnh lở cổ rễ, và bệnh héo rũ ở cây con: Dùng Viben C. 50 BTN nồng độ 0,2%, Ridomil 72WP nồng độ 0,15% hoặc Validacin, nồng độ 0,2%
- Bệnh sương mai (Pseudoperospora cubensis berk, and curt): Dùng các loại thuốc như: Ridomil MZ 72 WP nồng độ 0,2 - 0,25%, Zineb 80WP nồng độ 0,25 - 0,3%, Daconil 72WP...
- Bệnh phấn trắng (Eryshiphe Cichoracearum D.C): Dùng Anvil 5SC, Bavistyl 50 FL, Bayferan nồng độ 0,1% phun vào buổi chiều mát, không mưa.
8. Thu hoạch
Sau khi quả đậu 25 - 30 ngày, vỏ quả màu vàng sẫm, cuống quả nhỏ. Tiến hành thu hoạch, thu quả vào buổi sáng hoặc chiều mát, cắt cuống, xếp quả nhẹ nhàng. Quả được bảo quản trong mát sau 1 - 2 ngày khi vỏ quả chuyển màu vàng sẫm, vỏ nứt nhẹ, mềm, mùi thơm đậm.
Nguyễn Thị Lý |