Ớt cay là loại cây gia vị quan trọng, dễ trồng và mang lại giá trị kinh tế cao. Để đạt năng suất và chất lượng tốt, người trồng cần nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc. Dưới đây là quy trình cụ thể:
1. Đất trồng:
- Vùng sản xuất phù hợp với quy hoạch của địa phương; không bị ảnh hưởng của các tác nhân như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, công nghiệp, bụi công nghiệp... mối nguy gây ô nhiễm lên cây trồng và sản phẩm ớt cay.
- Đất trồng tốt nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, chủ động tưới, tiêu; hàm lượng kim loại nặng trong đất không vượt mức tối đa cho phép.
2. Thời vụ:
Ở Hà Tĩnh, ớt được gieo trồng trong hai thời vụ chính:
- Vụ Thu Đông: Gieo tháng 7 - tháng 8, trồng tháng 8 - tháng 9.
- Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 12 - tháng 1, trồng tháng 1 - tháng 2.
3. Giống và sản xuất cây giống:
3.1. Giống:
Lựa chọn giống ớt cay phù hợp với vùng sinh thái, vụ sản xuất và yêu cầu thị trường. Hạt giống có nguồn gốc rõ ràng; chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận theo quy chuẩn.
Một số giống ớt cay hiện nay được thương mại bởi các công ty và các tập đoàn như Hai mũi tên đỏ, Seminis, Chánh nông...
- Nhóm các giống ớt chỉ địa: Red Chilli, Hot Chilli, Lai số 20, GL1 - 10, GL1 - 21...
- Nhóm các giống ớt chỉ thiên: HMT 95, HMT 97, Hoàn Hảo 999, GM40, GL1 - 6, GL1 - 18, GL1 - 20...
3.2. Sản xuất cây giống
- Vườn ươm chọn nơi khô ráo, đủ ánh sáng, chủ động chăm sóc và tưới. Tốt nhất là ươm cây trong nhà màng, có lưới đen để che nắng khi cần thiết.
- Trước khi gieo xử lý hạt bằng NaOCl nồng độ 0,15%, ngâm hạt khoảng 15 phút sau đó xả dưới vòi nước 30 phút vớt ra để ráo nước.
Có 2 cách gieo hạt trong vườn ươm: Gieo vào khay bầu hoặc gieo trực tiếp xuống đất.
a/ Gieo hạt vào khay bầu
Dùng khay xốp hoặc khay nhựa có kích thước 60 × 45 cm với 84 - 128 lỗ/khay.
- Giá thể dùng để gieo hạt giống: 20% đất + 40% phân chuồng hoai mục + 40% trấu hun (hoặc xơ dừa).
- Đặt khay trên nền phẳng sau đó dùng tay gạt san cho giá thể rơi vào hết các lỗ là được.
- Các khay sau khi đóng giá thể sẽ được tưới ẩm để làm mịn mặt của giá thể.
- Dùng que hoặc ngón tay...tạo lỗ sâu khoảng 5 - 7 mm để gieo hạt.
- Thả hạt ớt vào lỗ, dùng giá thể rắc phủ kín hạt.
- Xếp khay chồng lên nhau khoảng 10 khay, trên cùng phủ bao tải hoặc nilon giúp giữ ẩm cho khay trên cùng.
- Giữ nguyên chồng khay như vậy cho đến khi hạt nảy mầm (khoảng 5 - 6 ngày). Sau ngày thứ 5 thường xuyên kiểm tra khay, nếu có hạt bắt đầu nảy mầm thì lập tức xếp khay ra khu vực chăm sóc cây con. Các khay cần được đặt cách mặt đất 10 cm để tránh rễ thò ra và đâm xuống đất.
b/ Gieo trực tiếp trên luống đất
- Làm đất kỹ, lên luống rộng 0,8 - 1m, rải đều phân phân hữu cơ hoai mục trên mặt luống, đảo đều đất và phân, vét đất ở rãnh phủ lên mặt luống dày 1,5 - 2 cm, san phẳng mặt luống.
- Lượng hạt giống gieo 1,5 - 2 g/m2, chia làm 2 đợt để hạt phân bố đều trên mặt luống (khi gieo trộn hạt với đất bột). Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ trên mặt luống cho đất phủ kín hạt, phủ một lớp rơm rạ, trấu mỏng trên mặt luống và dùng ô doa tưới nước đủ ẩm. Nên sử dụng máy gieo hạt và công cụ gieo hạt thủ công giúp giảm chi phí giống, công lao động.
Sau khi gieo tưới 1 - 2 lần/ngày trong vòng 5 - 6 ngày, khi hạt nảy mầm nhô lên mặt đất 2 ngày tưới một lần. Khi cây được 2 - 3 lá thật tỉa bỏ cây bệnh, cây dị dạng, để khoảng cách cây 3 - 4 cm. Tuyệt đối không tưới phân đạm trong giai đoạn vườn ươm.
- Tiêu chuẩn cây giống: Cây con giống đạt 5 - 6 lá thật (tương đương 30 - 35 ngày sau gieo), thân cứng, mập, khoảng cách các lá ngắn, không bị sâu bệnh hại.
4. Chuẩn bị đất trồng:
- Chọn chân đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, độ pH 6 - 6,5; đất trồng không bị ô nhiễm và có nguồn nước tưới, tiêu tốt và giao thông thuận tiện.
Kích thước luống và khoảng cách trồng
- Đất được cày bừa kỹ sâu 20 - 30 cm, phơi ải 10 - 15 ngày.
- Chiều cao luống tùy thuộc vào mùa vụ: mùa mưa luống cao 25 - 30 cm, mùa khô luống cao 20 - 25 cm, để rãnh rộng 30 cm.
- Trồng hàng đôi luống rộng 1,4 m - 1,5 m.
- Các vùng đất chua hoặc không bón vôi thường xuyên thì cần bón 25 kg vôi bột cho 1 sào (500m2).
- Nên phủ mặt luống bằng plastic ánh bạc hoặc rơm rạ để hạn chế cỏ dại và giữ ẩm.
- Mật độ và khoảng cách trồng: (45 - 50) x 70 cm, khoảng 1.400 – 1.500 cây/sào.
5. Phân bón và chất phụ gia:
5.1. Loại phân bón và chất phụ gia: Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam; ưu tiên lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý hoai mục, phân hữu cơ vi sinh.
- Không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao như: Phân bắc, phân chuồng tươi, nước giải, rác thải sinh hoạt, rác thảỉ công nghiệp chưa qua xử lý (ủ hoai mục) để bón trực tiếp cho ớt.
5.2. Lượng bón và phương pháp bón: Tùy vào vùng sản xuất, giống và thời vụ được bón với một sào (500m2) khối lượng phân bón cụ thể như sau:
- Lượng phân (Đạm, Lân, Kali) tính nguyên chất, khi sử dụng cần quy đổi để đảm bảo chất dinh dưỡng cung cấp cho cây.
Loại phân
|
Tổng lượng phân bón ( kg /sào)
|
Bón lót (%)
|
Bón thúc (%)
|
Lần 1
|
Lần 2
|
Lần 3
|
Lần 4
|
Phân hữu cơ
|
1.300 – 1.500
|
100
|
-
|
-
|
-
|
-
|
N2
|
75 - 90
|
-
|
10
|
30
|
30
|
30
|
P2O5
|
60 - 70
|
100
|
-
|
-
|
-
|
-
|
K2O
|
75 - 90
|
-
|
-
|
30
|
40
|
30
|
Vôi
|
25
|
100
|
|
|
|
|
- Lượng phân bón thông thường được sử dụng (tính cho 1 sào: 500m2): 50kg vôi + 400 – 500kg phân hữu cơ + 10kg Ure + 25kg Super lân + 9,5kg Kali + 25 – 27kg NPK (16-16-8) + 5kg Calcium nitrat, các loại phân chia được bón như sau:
5.3. Thời gian bón và cách bón:
- Cách bón 1:
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi bột, lân. Rạch hàng rắc đều phân rồi lấp đất kín hết phân, phải bón trước khi trồng ít nhất 5 - 10 ngày.
+ Bón thúc chia làm 4 lần bón với lượng phân như sau:
* Bón thúc lần 1: Sau khi cây hồi xanh (7 - 10 ngày sau trồng), dùng 10% phân đạm hòa loãng để tưới, sau đó tưới lại bằng nước lã.
* Bón thúc lần 2: Giai đoạn cây ra hoa, bón 30 %N, 30 % K.
* Bón thúc lần 3: Giai đoạn quả rộ, bón 30% N, 40% K.
* Bón thúc lần 4: Sau thu quả đợt 1, bón 30% N, 30% K.
- Cách bón 2:
+ Bón lót khi làm đất: 50kg vôi, 400 – 500kg tấn phân chuồng, 25kg super lân, 1,5kg Kali, 1kg Calcium nitrat, 5-7kg phân NPK(16-16-8).
+ Bón thúc chia làm 4 lần bón với lượng phân như sau:
* Lần 1: 20 - 25 ngày sau khi trồng: 2kg Urê + 1,5kg Kali + 5kg NPK (16-16-8) + 1kg Calcium nitrat.
* Lần 2: Khi ớt đã đậu quả đều: 3kg Urê + 2,5kg Kali + 5 - 6kg NPK (16-16-8) + 1kg Calcium nitrat.
* Lần 3: Khi bắt đầu thu hoạch quả: 3kg Urê + 2,5kg Kali, 5 – 7,5kg NPK (16-16-8) + 1,5kg Calcium nitrat.
* Lần 4: Khi thu hoạch rộ: 2kg Urê + 2kg Kali, 5-7,5kg NPK (16-16-8) + 1,5kg Calcium nitrat.
- Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các phân bón đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.
- Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo.
6. Trồng cây và chăm sóc
6.1. Trồng cây: Chọn thời điểm ngày trời mát hoặc trồng vào chiều mát. Sau khi trồng cần tưới giữ ẩm cho cây.
6.2. Tưới nước:
- Sau khi trồng cây con, cần tưới ẩm và che nắng lúc cây con chưa bén rễ.
- Vào các thời kỳ nụ, hoa, quả rộ và quả đang lớn cần đảm bảo đủ nước, nếu có điều kiện thì tưới rãnh. Khi mặt luống thấm nước đều phải tháo kiệt nước đọng trong rãnh. Cung cấp đủ nước cho ớt không để khô hạn hoặc tháo nước ngay khi bị ngập úng.
6.3. Xới, vun gốc:
- Là biện pháp kỹ thuật quan trọng trong quá trình chăm sóc ớt, số lần xới, làm cỏ, vun gốc từ 2 - 3 lần.
- Sau khi hồi xanh (sau trồng 10 - 15 ngày), xới phá váng, xới rộng khắp mặt luống, làm cho đất thông thoáng và kết hợp làm cỏ.
- Sau trồng 25 - 35 ngày, xới lần 2, xới nông, hẹp và vun đất vào gốc cây.
- Sau trồng 45 - 50 ngày, trước khi làm giàn, vét đất ở rãnh vun cao cho cây đứng vững.
6.4. Làm giàn: Thời gian làm giàn cần thực hiện sớm, sau trồng 35 - 40 ngày tiến hành làm giàn theo kiểu chữ A hoặc làm giàn hàng rào, dùng dây mềm buộc cây lên giàn. Có thể sử dụng cọc chôn 2 đầu luống và căng dây dọc theo hàng.
6.5. Tỉa nhánh:
Thường xuyên tỉa, nhánh ở dưới hoa thứ nhất, khi đã thu hoạch quả lứa đầu cần tỉa bỏ lá già, lá bệnh dưới gốc để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế nơi cư trú của sâu bệnh hại.
7. Thu hoạch, sơ chế và bảo quản
Khi quả chín đạt 70% thu hoạch cả cuống cho vào thùng xốp hoặc khay nhựa. Nếu trong quá trình thu hoạch gặp mưa cần phải phơi, hong khô để quả ớt không bị ẩm, ướt nhiễm nấm bệnh, gây thối quả. Thu xong mang đi tiêu thụ ngay, không để thành đống lớn./.
Phan Đức Hải
|